HNX-Index tăng 0,42 điểm (0,39%) lên 108,75 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 40,9 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 451 tỷ đồng. Toàn sàn có 82 mã tăng giá, 60 mã đứng giá và 67 mã giảm giá.
Sự hồi phục trở lại của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp chỉ số đảo chiều tăng giá. Nếu như phiên sáng nhóm VN30 chìm trong sắc đỏ thì phiên chiều nhiều cổ phiếu đã xanh trở lại.
Theo đó, trong rổ cổ phiếu VN30 có 15 mã tăng giá, trong khi có 8 mã giảm giá và 7 mã đứng giá. Các mã tăng mạnh trong nhóm này như: VJC tăng 4,7%, SAB tăng 3%, VRE tăng 1,5%...
Ở chiều giảm giá, các mã chỉ có mức giảm nhẹ. Cụ thể, chỉ có POW giảm 1,2%. Các mã còn lại ở chiều giảm giá là VIC, MSN, PNJ, VHM, REE, BVH chỉ có mức giảm từ 0,1 - 0,7%.
Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, những mã vốn hóa lớn trong nhóm này đảo chiều tăng giá khá ấn tượng như: PLX tăng 2,8%, GAS tăng 1,5%, PVD tăng 1,4%, PVS tăng 0,8%. Ở chiều giảm giá, PVB giảm 2,8%, PVC giảm 2%.
Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều mã về lại được mức tham chiếu, trong khi một số mã tăng giá khá mạnh như: ACB tăng 1%, HDB tăng 1,5%, MBB tăng 0,9%, VCB tăng 0,4%... Ở chiều giảm giá có CTG, SHB, TPB có mức giảm từ 0,3 - 0,8%.
Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng hàng trăm tỷ đồng. Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng 179,76 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là VIC (hơn 40,2 tỷ đồng), VNM (hơn 35,8 tỷ đồng), BID (hơn 24,2 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 16,67 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh là SHB (6,8 tỷ đồng), TNG (hơn 3,8 tỷ đồng), PVS (trên 2,2 tỷ đồng).
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại bán ròng 19,53 tỷ đồng. Các mã bán ròng mạnh gồm: BSR (hơn 9,8 tỷ đồng), ACV (hơn 6,5 tỷ đồng), VEA (hơn 2,6 tỷ đồng).
Nhiều thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 16/4, do các số liệu kinh tế tiêu cực của Mỹ đã làm dấy lên những lo ngại về tác động của dịch COVID-19.
Các số liệu mới nhất từ Mỹ đã cho thấy, mức độ thiệt hại mà các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh gây ra. Số liệu được công bố ngày 15/4 cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ giảm mạnh trong tháng Ba, trong khi sản lượng công nghiệp cùng tháng ghi nhận mức giảm sâu nhất kể từ năm 1946.
Chuyên gia Ann Miletti của công ty quản lý tài sản Wells Fargo Asset Management cho rằng các số liệu kinh tế nói trên thật “thảm họa”, và giới đầu tư đang đặt ra câu hỏi liệu các doanh nghiệp còn trụ được bao lâu với tình hình phong tỏa như hiện nay.
Sự sụt giảm trước đó trên Phố Wall đã “dội nước lạnh” lên các nhà giao dịch ở châu Á. Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo giảm 1,3% xuống 19.290,20 điểm, trong khi chỉ số Hang Seng ở Hong Kong để mất 0,6% xuống 24.006,45 điểm. Sắc đỏ cũng được gi nhận tại thị trường Sydney và Đài Bắc với các mức giảm lần lượt 0,9% và 0,7%.
Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải lại tăng 0,3% lên 2.819,94 điểm, trong khi thị trường Singapore ghi thêm 0,7%, còn thị trường Seoul đi ngang trong phiên này.