Chốt phiên giao dịch ngày 11/8, VN-Index tăng 11,6 điểm lên 1.232,21 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng hơn 21.278 tỷ đồng. Toàn sàn có 232 mã tăng giá, 226 mã giảm giá và 67 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 1,34 điểm lên 245,25 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 117,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.867,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 83 mã tăng giá, 110 mã giảm giá và 72 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,18 điểm lên 93,28 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 118 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 1.313 tỷ đồng. Toàn sàn có 161 mã tăng giá, 190 mã giảm giá và 132 mã đứng giá.
Nhóm cổ phiếu họ Vingroup đóng góp nhiều nhất vào đà tăng chỉ số. Theo đó, VIC tăng 6,9 điểm lên 72.600 đồng/cổ phiếu, VRE tăng 2,3%, VHM tăng 0,5%.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu trụ cột nhóm ngân hàng như VCB tăng 2,1%. Các mã vốn hóa hàng đầu ngành ngân hàng như TCB, TPB, STB, CTG, BID đều ở chiều giá xanh.
Cùng với đà đi lên của thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến tích cực với sắc xanh chiếm ưu thế.
Nhóm cổ phiếu thép không còn mã nào ở chiều giá đỏ. Các mã HPG và HLA tăng kịch trần. Các mã DTL, HMC, HSG, POM, SMC, TLH, VGS ở chiều tăng giá.
Ở chiều tiêu cực, nhóm dầu khí, hóa chất, bảo hiểm chìm trong sắc đỏ.
Khối ngoại hôm nay bán ròng gần 62 tỷ đồng trên HOSE và 10,74 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi chỉ mua ròng gần 2 tỷ đồng trên HNX.
Trong Báo cáo Chiến lược Tháng 8/2023 với chủ đề “Linh hoạt trong xu hướng chính” của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), các chuyên gia cho rằng, sau khi tiếp giáp vùng 1.220 - 1.230 điểm, chỉ số VN-Index chưa có dấu hiệu suy yếu sau quá trình tăng trưởng bắt đầu từ tháng 6/2023.
Thanh khoản lớn đi kèm động lực tăng trưởng vừa qua cho thấy dòng tiền liên tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán.
Các chỉ báo kỹ thuật cũng thể hiện nhịp tăng trưởng của chỉ số VN-Index, khả năng sẽ tiến tới mục tiêu trung hạn 1.295 - 1.305 trong tháng 8/2023, khi dòng tiền đang ủng hộ cho sự đi lên của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Mặc dù vậy, trong xu hướng tăng luôn kèm theo áp lực rung lắc mạnh khi thị trường chứng khoán đi lên vùng cao.
SSI cho biết, đến ngày 7/8 số lượng công ty đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 chiếm 98% vốn hóa thị trường; trong đó, tổng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục giảm 3,9% và 12,8% so với quý II/2022.
Nếu loại trừ lợi nhuận đột biến ở nhóm Vingroup, mức tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế trên HOSE giảm lần lượt 9% và 10,7%. Tuy vậy, tốc độ giảm của lợi nhuận sau thuế này cũng đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm ở quý I/2023.
Kết quả kinh doanh quý II/2023 chưa thật sự tăng tốc trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều thách thức, tuy nhiên tốc độ giảm đã thu hẹp đáng kể và đà giảm đã chậm lại trong 3 quý liên tục với khả năng tạo đáy, cho thấy các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đang dần phản ánh vào nỗ lực hồi phục của các doanh nghiệp, SSI nhìn nhận.
Công ty chứng khoán này cho rằng, sự phục hồi tăng trưởng lợi nhuận trong 2 quý cuối năm đi kèm với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là nền tảng vững chắc cho thị trường chứng khoán duy trì xu hướng tăng ổn định trong trung và dài hạn.
Tuy nhiên, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn vẫn hiện hữu do cung chốt lời và nút thắt thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn giải quyết triệt để, cùng đó là biến động của tỷ giá cũng như khả năng suy thoái ở các nền kinh tế vẫn còn trước mắt.
“Điều này có thể khiến thị trường chứng khoán sẽ có những biến động mạnh hơn trong giai đoạn tới” SSI nhận định.