Cổ phiếu ngành vật liệu và tài chính kéo VN-Index hồi phục trong tháng 1

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự hồi phục đáng kể ngay trong tháng đầu năm 2023 khi các chỉ số chính trên HOSE đều tăng mạnh so với tháng trước đó. Động lực tăng trưởng của thị trường đến từ sự tham gia mạnh mẽ của khối ngoại cùng sự phục hồi của nhóm cổ phiếu các ngành như: nguyên vật liệu, tài chính và công nghiệp.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Hứa Chung/TTXVN

Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.111,18 điểm, tăng 10,34% so với tháng 12/2022 và giảm 24,87% so với cùng kỳ năm 2022; VNAllshare đạt 1,074,15 điểm, tăng 10,66% so với tháng 12/2022, và giảm 28,64% so với cùng kỳ năm 2022; VN30 đạt 1.125,07 điểm, tăng 11,93% so với tháng 12/2022 và giảm 26,57% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 1, các chỉ số ngành đều ghi nhận mức tăng. Nổi bật được thể hiện tại các chỉ số: ngành nguyên vật liệu (VNMAT) tăng 19,29%; ngành tài chính (VNFIN) tăng 13,13%; ngành công nghiệp (VNIND) tăng 12,18%.

Tuy vậy, do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào thời điểm tháng 1 nên thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 1 cũng ghi nhận giảm đáng kể so với tháng trước đó. Cụ thể, khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên (chưa bao gồm giao dịch lô lẻ) lần lượt đạt trên 579,96 triệu cổ phiếu và 10.494 tỷ đồng, tương ứng giảm lần lượt 28,14% về khối lượng bình quân và 25,46% về giá trị bình quân so với tháng 12/2022.

Tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch (chưa bao gồm giao dịch lô lẻ) trong tháng đạt trên 9,2 tỷ cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch đạt 167.907 tỷ đồng và cũng giảm lần lượt 47,74% về khối lượng và 45,79% về giá trị so với tháng 12/2022.

Về giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW), trong tháng 1/2023, khối lượng giao dịch bình quân CW đạt khoảng 21,22 triệu CW với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 9,9 tỷ đồng; tương ứng giảm 42,88% về khối lượng bình quân và giảm 11,07% về giá trị bình quân so với tháng 12/2022.

Tổng khối lượng và giá trị giao dịch CW trong tháng lần lượt đạt 339,61 triệu CW và 158,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 58,46% về khối lượng và giảm 35,32% về giá trị giao dịch so với tháng 12/2022.

Một trong những điểm sáng của thị trường chứng khoán trong tháng 1 là khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh mua ròng ở nhiều nhóm cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn.

Thống kê của HOSE cho thấy, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 34.344 tỷ đồng, chiếm hơn 10,2% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua ròng trong tháng với giá trị hơn 2.702 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 31/1/2023, quy mô thị trường chứng khoán trên HOSE có 504 mã chứng khoán niêm yết; trong đó, gồm 403 mã cổ phiếu, 3 mã chứng chỉ quỹ đóng, 11 mã chứng chỉ quỹ ETF và 87 mã chứng quyền có bảo đảm.

Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 141,49 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,43 triệu tỷ đồng, tăng gần 10,4% so với tháng trước, chiếm hơn 94,2% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường và tương đương 46,6% GDP năm 2022 (GDP theo giá hiện hành).

Đến hết tháng 1/2023, trên HOSE có 38 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD; trong đó, có 1 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã: VCB).

H.Chung (TTXVN)
VN-Index tăng nhẹ, nhà đầu tư giao dịch cầm chừng
VN-Index tăng nhẹ, nhà đầu tư giao dịch cầm chừng

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 2/2 nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên biên độ 4,5 - 4,75%, cao nhất kể từ tháng 10/2007 không ảnh hưởng nhiều tới thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên ngày 2/2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN