Theo dự kiến, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW) sẽ chính thức được triển khai trên Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 3/2018. Có thể nói, CW vừa là sản phẩm đầu tư, vừa là công cụ quản lý rủi ro với chi phí hiệu quả.
Hiệu ứng đòn bẩy cao và giao dịch dễ dàng
Theo Sở GDCK TP Hồ Chí Minh, chứng quyền có bảo đảm là một sản phẩm phù hợp với các nhà đầu tư ưa thích rủi ro, trong đó tác động đòn bẩy chính là điểm hấp dẫn nhất của sản phẩm.
Với chi phí ban đầu mua CW chỉ bằng một phần rất nhỏ, khoảng 10% so với giá trị của cổ phiếu cơ sở, nhà đầu tư có thể đạt được mức biến động giá tương đương như đầu tư vào chính cổ phiếu cơ sở đó và tính chất đòn bẩy sẽ làm gia tăng suất sinh lợi cho nhà đầu tư.
Cấu trúc pháp lý của chứng quyền có đảm bảo. Ảnh: DTPS |
Như vậy, trong suốt thời hạn chứng quyền có hiệu lực, trường hợp giá cổ phiếu cơ sở biến động đúng như dự đoán, nhà đầu tư sẽ thu được lợi nhuận rất lớn so với khoản chi phí đầu tư ban đầu.
Ví dụ, với nguồn vốn là 10 triệu đồng, nhà đầu tư nhận định giá cổ phiếu cơ sở ABC tăng trong tương lai, nhà đầu tư có thể mua: 1.000 cổ phiếu ABC (giá 10.000 đồng/cổ phiếu); hoặc 5.000 chứng quyền có bảo đảm mua (Chứng khoán cơ sở: cổ phiếu ABC, giá chứng quyền có bảo đảm: 2.000 đồng/chứng quyền, tỷ lệ thực hiện 1:1, giá thực hiện: 10.000 đồng).
Khi giá cổ phiếu ABC tăng lên 14.000 đồng/cổ phiếu, lợi nhuận của nhà đầu tư đối với các phương án sẽ như sau: Mua cổ phiếu ABC là: (14.000 đồng – 10.000 đồng) x 1.000 cổ phiếu = 4.000.000 đồng, như vậy tỷ suất sinh lời 40%; mua chứng quyền có bảo đảm là: (14.000 đồng – 10.000 đồng – 2.000 đồng) x 5.000 chứng quyền = 10.000.000 đồng, như vậy tỷ suất sinh lời là 100%.
Trường hợp giá chứng khoán cơ sở biến động ngược chiều với dự đoán của nhà đầu tư thì khoản lỗ tối đa của nhà đầu tư trong trường hợp này chỉ là khoản phí (giá) của CW mà nhà đầu tư phải trả để sở hữu CW.
Việc đặt lệnh giao dịch mua, bán chứng quyền được thực hiện tương tự như giao dịch cổ phiếu. Những nhà đầu tư đã có tài khoản giao dịch cổ phiếu thông thường sẽ được sử dụng tài khoản này để giao dịch chứng quyền.
Riêng đối với nhà đầu tư mới sẽ cần mở tài khoản tại công ty chứng khoán thành viên của HOSE và thực hiện đặt lệnh giao dịch chứng quyền. Thời gian giao dịch, phương thức giao dịch, các loại lệnh áp dụng cho chứng quyền tương tự như cổ phiếu. Sau khi sở hữu CW, nhà đầu tư có quyền bán lại CW thông qua hệ thống giao dịch của Sở GDCK hoặc nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Những lưu ý về rủi ro khi đầu tư CW
Bên cạnh sức hấp dẫn được tạo ra bởi yếu tố đòn bẩy, nhà đầu tư cần hiểu được các rủi ro đi kèm trong giao dịch chứng quyền, đồng thời xác định được khẩu vị rủi ro của bản thân trước khi quyết định đầu tư.
Như một tính chất luôn song hành, sản phẩm có tính đòn bẩy cao sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro. Ngoài việc khuếch đại lợi nhuận, tính đòn bẩy của CW cũng có thể khuếch đại mức độ tổn thất khi giá của cổ phiếu cơ sở biến động ngược với dự đoán của nhà đầu tư. Nói cách khác, giá của chứng quyền sẽ biến động nhanh đối với các thông tin tốt, xấu của cổ phiếu cơ sở và theo đó mức sinh lời, rủi ro đối với CW cũng cao hơn.
Bên cạnh đó, vòng đời của CW là luôn có giới hạn (tối thiểu 3 tháng và tối đa 2 năm kể từ ngày phát hành). Tại thời điểm đáo hạn của CW, chỉ có những CW ở trạng thái có lãi (giá thanh toán của cổ phiếu cơ sở cao hơn giá thực hiện đối với CW mua và ngược lại đối với CW bán) mới được thực hiện quyền, những CW ở trạng thái khác sẽ vô giá trị và nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền đã bỏ ra để mua CW ban đầu.
Một rủi ro khác mà nhà đầu tư khi tham gia giao dịch CW cũng cần quan tâm đó chính là rủi ro đến từ tổ chức phát hành CW. Trong suốt thời gian lưu hành của CW, vì một lý do nào đó có thể tổ chức phát hành CW sẽ gặp khó khăn về tài chính hoặc bị phá sản dẫn đến có thể không thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư khi CW đến hạn. Vì vậy, nhà đầu tư cần đánh giá tình tài chính cũng như hoạt động của tổ chức phát hành trước khi quyết định mua CW.