"Vàng đen" nối dài đà giảm
Giá dầu đã giảm phiên thứ năm liên tiếp trong chiều 22/8, do các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, mặc dù dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm.
Giá dầu Brent giảm 10 xu Mỹ xuống 75,95 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 23 xu Mỹ xuống 71,70 USD/thùng vào lúc 13 giờ 39 phút (giờ Việt Nam).
Giá dầu đã giảm mạnh, trong bối cảnh số liệu thống kê việc làm cập nhật cho thấy số việc làm được tạo ra từ đầu năm đến nay thấp hơn so với báo cáo trước đó, và dữ liệu kinh tế yếu kém vào tuần trước từ Trung Quốc. Cả hai quốc gia này đều là những nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.
Các nhà đầu tư cũng dự đoán Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ dỡ bỏ cắt giảm sản lượng tự nguyện vào tháng 10/2024. Động thái này dự báo sẽ bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường.
"Nhu cầu toàn cầu yếu và mối đe dọa tiềm tàng về việc OPEC+ cắt giảm sản lượng trở lại đang gây áp lực lên giá dầu", nhà phân tích thị trường cấp cao Priyanka Sachdeva tại Phillip Nova cho biết. Đồng thời, xung đột ở Trung Đông và căng thẳng địa chính trị ở những nơi khác đang khiến rủi ro gia tăng.
Giá dầu thô giảm mặc dù báo cáo của Chính phủ Mỹ vào thứ Tư (21/8) cho thấy lượng dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ đã giảm trong tuần kết thúc vào ngày 16/8.
Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm
Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch chiều 22/8, do các nhà đầu tư lạc quan từ đợt tăng điểm trên Phố Wall nhờ báo cáo lợi nhuận từ các công ty lớn tốt hơn dự kiến.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,7% lên 38.211,01 điểm lúc đóng cửa phiên giao dịch. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 0,2% lên 8.027,00 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,2% lên 2.705,26 điểm, sau khi Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) quyết định giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tiền tệ của mình.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng nhẹ 0,7% lên 17.512,51, điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm 0,3% xuống 2.847,20 điểm.
Giao dịch có khả năng sẽ tương đối yên ắng trước hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương tại Jackson Hole, Wyoming, nơi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sẽ có bài phát biểu rất được mong đợi vào thứ Sáu (23/8). Thị trường hy vọng là ông sẽ đưa ra manh mối về việc Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sâu và nhanh như thế nào vào tháng 9/2024 sau khi tăng lãi suất lên mức cao nhất trong hai thập kỷ để kiềm chế lạm phát.
Tại thị trường trong nước kết phiên 22/8 VN-Index giảm 1,27 điểm (0,1%) xuống 1.282,78 điểm, HNX-Index đóng cửa tăng 0,06 điểm (+0,02%) lên 238,47 điểm.
Giá vàng rời mức cao kỷ lục
Giá vàng rời mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch chiều 22/8, trước khi Mỹ công bố dữ liệu về thất nghiệp và bài phát biểu của Chủ tịch Fed, Jerome Powell tại Jackson Hole.
Giá vàng đã giảm từ mức cao kỷ lục là 2.531,60 USD/ounce từ đầu tuần đến nay. Giá vàng giao ngay giảm khoảng 0,5% và tiến gần đến mức 2.500 USD/ounce.
Theo các chuyên gia, thị trường đang chờ đợi Mỹ công bố dữ liệu thất nghiệp vào thứ năm (22/8) và bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Jackson Hole vào cuối tuần này.
Chuyên gia phân tích cấp cao Matt Simpson tại City Index nhận định rằng vàng có thể nhận được thêm sự hỗ trợ nếu dữ liệu về tình trạng thất nghiệp tiếp tục yếu đi sau khi số liệu việc làm điều chỉnh giảm gần đây.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, đã giảm trong phiên thứ hai liên tiếp vào thứ Tư (21/8).
Tại Việt Nam cuối phiên 22/8, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 79,00 - 81,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).