Một ngày sau báo cáo cho thấy lạm phát tiêu dùng tháng 3/2022 của Mỹ chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/1981, một bản báo cáo khác cho thấy chỉ số giá sản xuất chạm mức kỷ lục 11,2%.
Trong khi đó, tại Anh, số liệu cho thấy giá cả đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm vào tháng 3/2022.
Lạm phát toàn cầu đang gia tăng hơn nữa do ảnh hưởng của căng thẳng Nga-Ukraine.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho biết các thị trường chào đón một dấu hiệu cho thấy lạm phát của Mỹ đang đạt đến mức đỉnh điểm, dù cho điều này làm tăng dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có hành động tích cực hơn để kiềm chế giá cả.
Tuy nhiên, Phố Wall đã có một phiên giao dịch sôi động, với chỉ số S&P 500 tăng 1,1% lên 4.446,59 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 1% lên 34.564,59 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 2% lên 13.643,59 điểm.
Chris Low của công ty FHN Financial cho biết các nhà đầu tư muốn cân bằng danh mục đầu tư sau khi bán bớt cổ phiếu trước những dữ liệu đáng lo ngại về lạm phát.
Đà tăng điểm trên Phố Wall đã diễn ra bất chấp mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp có khởi đầu mờ nhạt, trong đó ngân hàng JPMorgan Chase chứng kiến lợi nhuận ròng quý đầu tiên giảm hơn 40% sau khi trích lập 900 triệu USD để ứng phó với các khoản lỗ tiềm ẩn do cuộc căng thẳng tại Ukraine và lạm phát gây ra. Giá cổ phiếu của JPMorgan Chase giảm 3,2%.
Trong khi đó, giá cổ phiếu của Delta Air Lines tăng 6,2% sau khi báo cáo khoản lỗ hàng quý là 940 triệu USD, nhưng cho biết nhu cầu tiêu dùng đủ mạnh để bù đắp chi phí nhiên liệu tăng vọt.
Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đóng cửa nghỉ lễ Good Friday (Thứ Sáu tốt lành) vào ngày 15/4.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London nhích nhẹ 0,1% lên 7.580,80 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris cũng tăng 0,1% lên 6.542,14 điểm, trong khi chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,3% xuống 14.076,44 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,1% xuống 3.827,96 điểm.
Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/4, chỉ số VN-Index tăng 1,51% lên 1.477,2 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,53% lên 427,45 điểm.