Chốt phiên giao dịch ngày 3/10, cả 3 chỉ số chứng khoán của Mỹ đều ghi nhận mức giảm hơn 1%. Cụ thể, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 1,4% xuống 4.229,45 điểm - mức thấp nhất kể từ ngày 1/6. Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Down Jones và chỉ số công nghệ Nasdaq đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ 31/5 - lần lượt còn 13.059,47 điểm (giảm 1,9%) và 33.002,38 điểm (giảm 1,3%).
Ngày 3/10, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,8% - mức cao nhất kể từ năm 2007.
Ông Michael Hewson, nhà phân tích thị trường hàng đầu tại CMC Markets có trụ sở tại Anh, cho biết nếu lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vượt mức 5% thì sức ép đối với thị trường chứng khoán Mỹ có thể còn lớn hơn.
Theo ông Rick Meckler, đối tác tại Cherry Lane Investments - một quỹ đầu tư gia đình có văn phòng ở New Vernon, New Jersey (Mỹ), các nhà đầu tư đã mong chờ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương) giảm lãi suất ngắn hạn để trở lại mức lãi suất thuận lợi hơn. Tuy nhiên, hiện tại nhiều khả năng Fed sẽ duy trì chính sách lãi suất cao lâu hơn. Chi phí vay cao hơn ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Chứng khoán Phố Wall "đỏ sàn" kéo theo sự sụt giảm đáng kể trên thị trường chứng khoán châu Âu. Theo đó, chỉ số FTSE tại thị trường chứng khoán London (Vương quốc Anh) chốt phiên giảm 0,5% xuống 7.470,16 điểm. Chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) giảm 1,1% xuống 15.085,21 điểm. Chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris (Pháp) giảm 1,0% xuống 6.997,05 điểm. Chỉ số EURO STOXX 50 giảm 1,0% xuống 4.095,59 điểm.
Chịu tác động của thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ trong 15 phút đầu mở cửa phiên giao dịch sáng 4/10, chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 460,21 điểm (1,47%). Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc "bốc hơi" 47,43 điểm (1,92%). Chứng khoán Trung Quốc nghỉ lễ.