Tại thị trường New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,2% xuống 34.751,32 điểm, chỉ số S&P 500 cũng hạ 0,2% xuống 4.473,75 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite nhích nhẹ 0,1% lên 15.181,92 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 tại London tăng 0,2% lên 7.027,48 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 0,2% lên 15.651,75 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,6% lên 6.622,59 điểm.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,6% xuống 30.323,34 điểm. Trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) hạ 1,5% xuống 24.667,85 điểm, sau khi Macau thông báo sẽ siết chặt quản lý ngành công nghiệp sòng bạc, còn chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải giảm 1,3% xuống 3.607,09 điểm.
Bất chấp đồn đoán về một đợt giảm nữa sau khi giảm trong tháng 7/2021, doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 0,7% trong tháng 8/2021 ngay cả khi doanh số bán xe ô tô giảm mạnh. Tuy nhiên, lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 11/9 ở mức 332.000 đơn, cao hơn so với dự báo của các nhà phân tích và nhiều hơn 20.000 đơn so với tuần trước đó.
Art Hogan, chiến lược gia trưởng của công ty chứng khoán National Securities, nhận định thị trường hiện đang trong “thế giằng co” khi đón nhận thông tin về số ca mắc COVID-19 đang chậm lại và số liệu được công bố trong hai ngày qua cho thấy hoạt động kinh tế cải thiện phần nào.
Ngoài ra, các nhà giao dịch đang theo dõi diễn biến từ nhà phát triển bất động sản Evergrande của Trung Quốc, vốn đang “chìm trong nợ” và có thể khiến tập đoàn này rơi vào cảnh phá sản. Giới quan sát lo ngại điều này có thể có tác động lớn và rộng lên thị trường.
Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/9, chỉ số VN - Index nhích 0,04 điểm lên 1.345,87 điểm, trong khi HNX - Index tăng 2,5 điểm (0,71%) lên 353,24 điểm.