Theo phóng viên TTXVN tại New York, làn sóng bán tháo cổ phiếu đã "quét" qua các sàn chứng khoán từ New York cho tới Thượng Hải (Trung Quốc), khi giới đầu tư ngày càng lo ngại về đà suy giảm kinh tế do những đe dọa trả đũa thương mại lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Chốt phiên giao dịch ngày 5/8 theo giờ Mỹ (sáng 6/8 theo giờ Việt Nam), cả 3 chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ đều mất điểm mạnh và lui về ngưỡng của một năm trước đây. Chỉ số công nghiệp Down Jones giảm 767,27 điểm, tương đương 2,9%, xuống còn 25.717,74 điểm và đây là mức giảm sâu nhất trong ngày kể từ tháng 12/2018. Chỉ số S&P 500 mất 3% xuống còn 2.844,74 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite "trượt" 3,5% và đóng cửa ở mức 7.726,04 điểm.
Cổ phiếu của các "đại gia" công nghiệp và công nghệ vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại toàn cầu thuộc nhóm mất điểm mạnh nhất. Cổ phiếu của Caterpillar giảm 2,3%, còn cổ phiếu của Facebook , Amazon, Apple và Alphabet - tập đoàn mẹ của Google, đều mất trên 3% giá trị.
Đây là phiên thứ sáu liên tiếp chứng khoán Mỹ mất điểm, khiến S&P 500 mất 6% trong kỳ, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc. Đà bán tháo tăng tốc trong ngày 5/8 sau khi NDT rơi xuống ngưỡng hơn 7 NDT đổi được 1 USD. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đổ lỗi quyết định áp thuế mới là tác nhân khiến đồng NDT mất giá. Đáp lại, chính quyền của Tổng thống Trump đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Ngay sau khi các thị trường đóng cửa tại New York, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức liệt Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ, cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng NDT khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang.
Những diễn biến mới nhất trong quan hệ thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã xóa tan kỳ vọng cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận thương mại, buộc các nhà đầu tư thay đổi những đánh giá trước đó vốn là nhân tố giúp chứng khoán Mỹ lập đỉnh trong năm nay. Sự bi quan đó được thể hiện rõ trên thị trường trái phiếu. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm, vốn được coi là căn cứ xác định lãi suất cho vay đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp trên khắp thế giới, đã giảm từ 1,864% hôm 2/8 xuống còn 1,738% trong ngày 5/8. Lợi suất giảm khi nhà đầu tư mua vào trái phiếu, điều thường diễn ra khi họ xem đây là tài sản an toàn.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 tại thị trường London (Anh) giảm 2,5% xuống 7.223,85 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) hạ 1,8% xuống 11.658,51 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) để mất 2,2% xuống 5.241,55 điểm. Chỉ số EURO STOXX 50 giảm 1,9% xuống 3.310,93 điểm.
Phiên giao dịch tồi tệ nhất từ đầu năm tới nay trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã khiến các chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch Tokyo (Nhật Bản) giảm tới 3% khi mở cửa phiên giao dịch ngày 6/8 do lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang. Chỉ trong những phút đầu giao dịch, chỉ số Nikkei giảm 2,94%, tương đương 609 điểm, xuống còn 20.111,29 điểm. Trong khi đó, chỉ số Topix cũng giảm 2,87%, tương đương 43,24 điểm, xuống còn 1.462,64 điểm.
Thị trường Trung Quốc cũng chịu tình cảnh tương tự khi mở cửa phiên giao dịch trong sắc đỏ với chỉ số Hang Sheng của Hong Kong giảm 2,3% xuống còn 25.554,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite để mất 1,58% xuống mức 2.776,99 điểm, trong khi chỉ số Shenzhen Composite cũng lùi 1,87% còn 1.488,91 điểm.
Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số KOSPI tiếp tục lao dốc khi giảm 2,2% xuống 1.904,47 điểm ngay trong 15 phút đầu phiên giao dịch.
Trong khi đó, việc Mỹ chính thức coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ đã khiến đồng NDT trên thị trường hải ngoại rớt xuống mức thấp nhất chưa từng có trong phiên giao dịch ngày 6/8, ở mức 7,1265 NDT/USD. Tình hình này cũng khiến giá đồng USD giảm so với đồng yen của Nhật Bản và đồng euro. Cụ thể, "đồng bạc xanh" trong phiên này giảm 0,3% xuống 105,61 yen/1USD, mức thấp nhất kể từ tháng 1 vừa qua, trong khi đồng euro tăng 0,3% lên mức 1euro đổi được 1,1238 USD, mức cao nhất kể từ ngày 19/7 vừa qua. Chuyên gia Takuya Kanda (Ta-cư-i-a Can-đa) của Viện Nghiên cứu Gaitame.Com ở Tokyo nhận định "cuộc chiến thương mại đã bước sang một giai đoạn mới và chúng tôi không chắc liệu điều gì sắp xảy ra. Sự bất ổn này sẽ khiến đồng NDT suy yếu và đồng USD yếu hơn so với đồng yen".