Phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,2% xuống 35.333,47 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,2% xuống 4.550,43 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 0,1% và khép phiên ở mức 14.241,02 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng không nằm ngoài xu hướng giảm. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 0,4% xuống 7.460,70 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) lùi 0,4% xuống 15.966,37 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,4% xuống 7.265,49 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,4% xuống 4.354,41 điểm.
Nhà phân tích Patrick O'Hare của chuyên trang tài chính Briefing.com cho biết sau bốn tuần tăng liên tiếp của chứng khoán New York, diễn biến ngày 27/11 cho thấy thị trường dường như đã “mệt mỏi".
Tuy nhiên, các chỉ số chính của Mỹ chỉ giảm từ 0,1 - 0,2%, mức giảm đủ nhỏ cho thấy “những người tham gia chưa thực sự nghiêm túc muốn bán tháo bất cứ cổ phiếu nào".
Đà giảm diễn ra sau đợt tăng giá gần đây trên thị trường chứng khoán thế giới. Nhà đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn tất việc nâng lãi suất khi lạm phát giảm và thị trường việc làm không còn “nóng” như trước.
Trọng tâm chính trong tuần này là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, một thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Chỉ số này sẽ được công bố vào thứ Năm (30/11 theo giờ địa phương).
Chuyên gia Stephen Innes của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management cho hay, thị trường sẽ xem xét kỹ lưỡng những con số này để hiểu rõ hơn xu hướng lạm phát cùng những tác động tiềm tàng đối với chính sách tiền tệ của Fed.
Ông nói rằng bối cảnh hiện tại chưa cho thấy Fed đã hoàn thành sứ mệnh giải quyết lạm phát. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách giờ đây phải tập trung vào việc lập kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/11, chỉ số VN - Index giảm 7,55 điểm (0,69%) xuống 1.088,06 điểm. Chỉ số HNX - Index giảm 2,21 điểm (0,98%) xuống 223,89 điểm.