Cụ thể, chỉ số STOXX 600 tại châu Âu đã giảm 0,9%. Phần lớn các chỉ số trong các lĩnh vực chính của châu Âu đều giảm điểm, với cổ phiếu công nghệ khu vực giảm 1,5% giá trị. Riêng cổ phiếu lĩnh vực ngân hàng tăng nhẹ ở mức 0,1%. Chỉ số CAC 40 của Paris (Pháp) đã giảm 1,1% xuống 6.209,55 điểm và chỉ số DAX của Frankfurt (Đức) giảm 0,9% xuống 13.135,53 điểm.
Tại Anh, chỉ số FTSE 100 của thị trường London giảm 0,9% xuống 7.080,17 điểm trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Anh nhiều khả năng sẽ tăng lãi chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm lên 3%, mức điều chỉnh cao nhất trong 33 năm qua, để hạ nhiệt lạm phát.
Sáng cùng ngày, các thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương đều đồng loạt trượt dốc. Chỉ số S&P ASX của Australia giảm 1,9%. Thị trường chứng khoán Tokyo đóng cửa nghỉ lễ, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm ở mức 0,7%. Chỉ số Hang Seng (Hong Kong, Trung Quốc) và chỉ số Composite ở Thượng Hải lần lượt giảm ở mức 3,1% và 0,2% xuống còn 15.339,49 điểm và 2.997,81 điểm. Tại Singapore, chỉ số STI giảm 1,54%.
Việc FED nâng lãi suất cũng gây áp lực với đồng bảng Anh và đồng euro. Cụ thể, tỷ giá đồng bảng Anh đã giảm từ mức 1 bảng đổi 1,1390 USD xuống còn 1 bảng đổi được 1,1325 USD. Tỷ giá đồng euro đã giảm từ 1 euro đổi được 0,9816 USD xuống còn 1 euro đổi được 0,9776 USD.
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 0,7% xuống 95,45 USD/thùng, còn dầu ngọt nhẹ WTI giảm 1% xuống 88,13 USD/thùng. Giá vàng thế giới cũng giảm từ mức 1.669 USD/ounce xuống còn 1.637 USD/ounce.
Trước đó, trong cuộc họp báo sau khi FED kết thúc 2 ngày họp với quyết định tăng lãi suất, Chủ tịch Jerome Powell khẳng định còn quá sớm để dự đoán thời điểm FED ngừng việc nâng lãi suất. Tuy nhiên, ông để ngỏ khả năng cuộc họp của FED vào tháng 12 tới sẽ xem xét mức tăng lãi suất sao cho phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời khẳng định cần có thời gian để đánh giá hiệu quả của biện pháp này. Ông nêu rõ ngay cả các nhà hoạch định chính - những người phụ trách đưa ra quyết định về mức tăng lãi suất, cũng chưa quyết định sẽ phải thực hiện mức tăng lãi suất bao nhiêu để kiềm chế lạm phát. Lãnh đạo FED khẳng định chính sách tăng lãi suất sẽ được duy trì cho đến khi đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Nhà kinh tế trưởng của OCBC Bank Selena Ling cho rằng thị trường đã quá kỳ vọng một chủ trương ôn hòa hơn của FED, như tạm ngừng tăng hoặc thậm chí làm giảm lãi suất. Đây là nguyên nhân khiến thị trường chao đảo sau thông điệp rõ ràng của FED. Tuy nhiên, chuyên Selena Ling lạc quan rằng những lần tăng lãi suất tiếp theo của FED sẽ ở mức thấp hơn.