Chốt phiên giao dịch ngày 14/8, VN-Index tăng 4,63 điểm lên 1.236,84 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1,1 tỷ cổ phiếu, tương ứng hơn 23.544 tỷ đồng. Toàn sàn có 315 mã tăng giá, 159 mã giảm giá và 58 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 5,19 điểm lên 250,44 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 135,6 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 2.411,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 129 mã tăng giá, 75 mã giảm giá và 61 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,18 điểm lên 93,46 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 89 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.145 tỷ đồng. Toàn sàn có 205 mã tăng giá, 102 mã giảm giá và 85 mã đứng giá.
Như vậy, tính chung trên toàn thị trường, thanh khoản phiên hôm nay đạt tới hơn 27.100 tỷ đồng, tương ứng hơn 1,1 tỷ USD theo tỷ giá hôm nay.
Rổ cổ phiếu VN30 có 17 mã tăng giá, 11 mã giảm giá và 2 mã đứng giá. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu Vingroup, VIC hôm nay vẫn tăng 1%, trong khi VRE và VHM giảm giá.
Cổ phiếu VIC liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây. Nhịp tăng bắt đầu từ phiên 27/7 kéo dài đến hôm nay. Cụ thể, từ 27/7 đến nay VIC có tới 10 phiên tăng, trong khi chỉ có 3 phiên giảm. VIC đã có nhịp tăng tới hơn 40%. Đây là một trong những động lực lớn giúp VN-Index đi lên mạnh mẽ.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán ngập trong sắc xanh. Cùng đó, cổ phiếu bất động sản, thép diễn biến rất tích cực. Các nhóm còn lại đa số diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.
Hôm nay, khối ngoại bán ròng 958 tỷ đồng trên HOSE và hơn 28 tỷ đồng trên HNX, trong khi chỉ mua ròng hơn 9,7 tỷ đồng trên thị trường UPCOM. Các mã bị bán ròng mạnh nhất là MSN, đạt hơn 116 tỷ đồng, tiếp đến BVH bị bán ròng hơn 103 tỷ đồng, STB cũng bị bán ròng hơn 83 tỷ đồng.
Thực tế, thị trường vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi kể từ giữa tháng 11/2022, các chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) kỳ vọng mức tăng trưởng của hầu hết các ngành đều có sự khởi sắc trong nửa cuối năm nhờ lãi suất cho vay giảm và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; xuất khẩu và tiêu dùng trong nước hồi phục; các dự án đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư cá nhân trong nước thúc đẩy thị trường tăng bứt phá.
Chính phủ Việt Nam tiếp tục kiên định với mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5%, mặc dù tăng trưởng GDP nửa đầu năm chỉ đạt 3,7%. Để đạt được mức tăng trưởng lên đến 9% trong nửa cuối năm 2023, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) kỳ vọng đầu tư công sẽ đóng vai trò chính (7 tháng đầu năm tăng trưởng 43%; kỳ vọng mức giải ngân trong 6 tháng tới tăng 16% để đạt được mức mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao).
Đáng chú ý, dữ liệu vĩ mô tháng 7 cho thấy dấu hiệu phục hồi của xuất khấu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và du lịch. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục nỗ lực tháo gỡ nút thắt cho ngành bất động sản, cũng như các tổ chức phát hành trái phiếu, giúp cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư. Về phía chính sách tiền tệ, do cầu tín dụng vẫn thấp nên kỳ vọng sắp tới Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cắt giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 25 điểm cơ bản.
Tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước chuyển biến tích cực thể hiện qua số tài khoản mở mới 3 tháng liên tiếp trên mỗi 100 nghìn tài khoản/tháng (tháng 7: hơn 150 nghìn tài khoản; tháng 6 là 146 nghìn tài khoản và tháng 5 là 105 nghìn tài khoản).
Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE cũng ghi nhận tháng thứ 4 cải thiện liên tiếp; trong đó, tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm cá nhân trong nước chiếm gần 87% tổng giá trị giao dịch tháng 7, ghi nhận 4 tháng liên tiếp trên ngưỡng 85% tổng giá trị, tăng đáng kể so với mức bình quân 80% các tháng trước đó.
Hơn nữa, tổng mức cho vay ký quỹ đã tạo đáy cuối quý 4/2022 và liên tục cải thiện 2 quý liên tiếp. Dù vậy, tỷ lệ nợ vay ký quỹ cuối quý II/2023 chỉ mới bằng khoảng 70% vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán, thấp hơn mức đỉnh cuối quý I/2022 là gần 130%.