Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/3, chỉ số VN – Index giảm tới 18,64 điểm xuống 970,07 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 245,7 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị giao dịch hơn 5.042,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 78 mã tăng giá, 43 mã đứng giá và 236 mã giảm giá.
HNX - Index giảm 1,68 điểm xuống 106,41 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 47,8 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 584,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 57 mã tăng giá, 47 mã đứng giá và 121 mã đứng giá.
Sắc đỏ bao trùm nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong rổ cổ phiếu VN30 (30 cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn nhất lên thị trường chứng khoán) không còn mã nào giữ được sắc xanh. Theo đó, nhóm VN30 có 27 mã giảm giá và 3 mã may mắn giữ được mức giá tham chiếu.
Các mã giảm giá mạnh có thể kể đến như: VRE giảm 4,7%, VIC giảm 2,9%, VHM giảm 2,3%, REE giảm 3,7%, MWG giảm 3,9%, PNJ giảm 2,4%, MSN giảm 2.7%...
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng không khả quan hơn. Tất cả các mã quan trọng nhất trong nhóm cổ phiếu này đều giảm mạnh như: GAS giảm 1,7%, BSR giảm 2,3%, OIL giảm 1,4%, POW giảm 3,9%, PVB giảm 4,2%, PVD giảm 4%, PVS giảm 4,3%, TDG giarmn 2,3%, PLX giảm 1,7%.
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng cũng nhuộm đỏ. Duy nhất trong nhóm cổ phiếu này chỉ còn mã KLB là giữ được sắc xanh khi tăng 1%. Tất cả các mã còn lại đều ở chiều giảm giá.
Các mã giảm giá mạnh trong nhóm cổ phiếu ngân hàng là VPB giảm 3,8%, MBB giảm 3,3%, SHB giảm 3,9%, STB giảm 2,4%, VCB và VIB giảm 2,1%, TCB giảm 1,9%, HDB giảm 2,3%, BID giảm 1,7%, CTG giảm 1,6%, ACB giảm 1,3%.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giao dịch cùng chiều với thị trường. Các mã quan trọng nhất trong nhóm cổ phiếu này đều giảm sâu như: SSI giảm 2,5%, SHS giảm 3,5%, VCI giảm 5,3%, MBS giảm 4,2%, HCM giảm 3,9%...
Điểm tích cực nhất trong phiên giao dịch hôm nay là nhà đầu tư vẫn mua ròng khá mạnh. Theo đó, trên sàn HOSE, khối ngoại đã mua ròng tới hơn 8 triệu đơn vị, với giá trị mua ròng đạt 195,89 tỷ đồng. Trên sàn này, khối ngoại mua ròng mạnh mã CTG (gần 53 tỷ đồng), tiếp đến là VCB (hơn 51 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ E1VFVN30 (49 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại mua ròng hơn 1,9 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng đạt 18,93 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh mã PVS và SHB đều ở mức hơn 12,7 tỷ đồng. Trên sàn này, khối ngoại bán ròng mạnh mã EIC hơn 5,38 tỷ đồng.
Trên thị trường UPCOM, khối ngoại mua ròng 308.854 cổ phiếu, giá trị mua ròng đạt 16,84 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng HVN (gần 11 tỷ đồng), tiếp đến là ACV với giá trị hơn 3,4 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khá tương đồng với các thị trường chứng khoán châu Á. Theo đó, phiên giao dịch sáng 25/3, chứng khoán châu Á hầu hết đi xuống khi xu hướng đầu tư vào các tài sản rủi ro giảm dần do lo ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ suy giảm và triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu.
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số MSCI của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) hạ 0,6% xuống mức thấp nhất trong một tuần, sau khi chứng kiến thị trường Phố Wall tụt dốc trong phiên cuối tuần trước (với cả ba chỉ số chính đều ghi nhận mức giảm theo ngày mạnh nhất kể từ phiên 3/1).
Tại thị trường Tokyo ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 682,18 điểm (3,15%) xuống 20.945,16 điểm, giữa bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu yếu đi.
Trên thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 cũng hạ 63,60 điểm (1,03%) xuống 6.131,60 điểm, còn tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), chỉ số Kospi mất 35,13 điểm (1,61%) xuống 2.151,82 điểm.
Trong khi tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng mở cửa phiên này trong sắc đỏ. Chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt lùi 611,99 điểm (2,1%) và 45,35 điểm (1,46%), xuống 28.501,37 điểm và 3.058,80 điểm.