Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/7, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,3 điểm xuống 164,37 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 164,37 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 4.069,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 119 mã tăng giá, 53 mã đứng giá và 192 mã giảm giá.
HNX-Index giảm 0,31 điểm xuống 106,76 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 31 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 422 tỷ đồng. Toàn sàn có 70 mã tăng giá, 53 mã đứng giá và 82 mã giảm giá.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân chính khiến thị trường điều chỉnh. Theo đó, trong rổ cổ phiếu V30 (30 cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất lên thị trường chứng khoán) có tới 16 mã giảm giá, trong khi chỉ có 10 mã tăng giá.
Các mã giảm giá mạnh có thể kể đến là SSI giảm 2,1%, VRE giảm tới 1,9%, VNM giảm 1,1%, NVL giảm 1%... đã gây áp lực lớn lên chỉ số VN-Index.
Ở chiều tăng giá, các mã tăng mạnh có PNJ tăng 4,1%, MSN tăng 1,9%, VJC tăng 1,4%. Các mã VHM và VIC chỉ tăng giá nhẹ.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục gây sức ép giảm điểm lên thị trường chung. Theo đó, GAS giảm 0,5%, BSR giảm 2,6%, PVC giảm 1,3%, PVD giảm 1,1%, TDG giảm 3,4%, PVS và POW giảm 0,4%.
Sắc đỏ cũng tràn ngập nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong nhóm ngân hàng chỉ còn 2 mã tăng giá là BID tăng 2,4%, TPB tăng 0,9%. Ở chiều giảm giá có ACB, BAB, CTG, EIB, EVF, HDB, SHB, STB, TCB, VIB, VPB.
Điểm tích cực là khối ngoại vẫn mua ròng hàng trăm tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay. Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng hơn 2,56 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt trên 156,8 tỷ đồng.
Trên sàn này, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã EIB (hơn 72,55 tỷ đồng), tiếp đến là mã PLX (hơn 48 tỷ đồng), trong khi khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã HPG (trên 64,66 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại bán ròng 520.796 cổ phiếu, giá trị bán ròng đạt 11,07 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh mã PVS (6,85 tỷ đồng), CEO (2,73 tỷ đồng).
Trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng 94.163 cổ phiếu, giá trị mua ròng đạt 10,94 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã VTP (hơn 9 tỷ đồng), tiếp đến là mã QNS (trên 3,68 tỷ đồng), trong khi bán ròng mạnh mã VEA và ACV đều ở mức hơn 1,7 tỷ đồng.
Trước đó, các thị trường chứng khoán ở châu Á diễn biến trái chiều khi mở cửa ngày giao dịch 22/7 khi sự quan tâm của giới đầu tư hướng tới các báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến công bố trong tuần này.
Vào đầu ngày giao dịch 22/7, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,62%, tương đương 132,64 điểm, xuống còn 21.336,54 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,53% (tương đương 153,12 điểm) xuống 28.612,28 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,05% (tương đương 1,59 điểm) lên 2.925,79 điểm.
Theo Okasan Online Securities, trong khi các doanh nghiệp chuẩn bị công bố báo cáo lợi nhuận trong tuần này, các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng quan tâm từ những dự báo về dòng tiền dư thừa sang các yếu tố tiêu cực như báo cáo kết quả kinh doanh kém đi của doanh nghiệp.
Trong tuần này, các doanh nghiệp như hãng sản xuất thiết bị nhiếp ảnh và văn phòng Canon và nhà sản xuất ô tô Nissan dự kiến sẽ công bố báo cáo lợi nhuận. Trong khi đó, theo kế hoạch, Mỹ sẽ công bố số liệu về Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II vào ngày 26/7 tới, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ họp vào ngày 25/7.