Thị trường chứng khoán tuần qua biến động mạnh trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về sự thay đổi định hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (14/6), hai chỉ số chính trên sàn chứng khoán Mỹ là chỉ số tổng hợp S&P và chỉ số công nghệ Nasdaq đóng cửa ở mức cao nhất từ trước đến nay, nhờ sự "hồi sinh" của nhóm cổ phiếu công nghệ. Tuy nhiên, sắc đỏ lan rộng trong các phiên giao dịch tiếp theo (15-16/6) trong bối cảnh thị trường giao dịch cầm chừng và tránh đưa ra quyết định đầu tư rủi ro trong khi chờ đợi kết quả cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed.
Riêng trong phiên 16/7, chứng khoán Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong phiên ngay sau khi Fed thông báo điều chỉnh dự báo về lạm phát và tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng như nhiều kỳ vọng lãi suất sẽ tăng vào năm 2023. Tuy nhiên sau đó, chứng khoán Mỹ đã hồi phục phần nào sau phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell khi ông nhấn mạnh rằng lạm phát tăng gần đây chỉ mang tính tạm thời. Ông Powell cũng đã khẳng định nếu có những dấu hiệu cho thấy đường đi của lạm phát hoặc kỳ vọng lạm phát dài hạn đang tăng một cách đáng kể và liên tục, vượt quá mức phù hợp với mục tiêu đề ra, Fed sẽ chuẩn bị để điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Kết thúc cuộc họp hai ngày, Fed thông báo duy trì chính sách tiền tệ có tính thích ứng cao như dự kiến, nhưng phần lớn các quan chức hiện tin rằng lãi suất sẽ tăng vào năm 2023 thay vì năm 2024. Một số nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến có thể tăng lãi suất sớm nhất vào năm 2022.
Chứng khoán Phố Wall phiên 17/6 tiếp tục ghi nhận hai trong ba chỉ số chính giảm điểm, khi giới giao dịch vẫn cân nhắc về kết quả cuộc họp mới nhất của Fed. Các nhà đầu tư tiếp tục mua cổ phiếu của những “gã khổng lồ” công nghệ, vốn hoạt động tốt hơn các lĩnh vực khác trong đại dịch COVID-19, trong khi "xa lánh" các cổ phiếu tài chính và năng lượng. Diễn biến này đảo ngược xu hướng đã diễn ra trong phần lớn năm 2021 tới nay.
Đà giảm điểm tiếp tục nối dài trong phiên cuối tuần (18/6), với chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,6% xuống 33.290,08 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 hạ 1,3% và đóng cửa phiên ở mức 4.166,45 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm 0,9% xuống 14.030,38 điểm.
Tính chung cả tuần, Dow Jones giảm 3,5% - ghi nhận tuần thứ hai chỉ số này giảm liên tiếp và đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 30/10/2020. Chỉ số Nasdaq và S&P cũng lần lượt giảm 0,3% và 1,9% so với tuần trước.
Ông Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao của Western Union Business Solutions, cho biết điều quan trọng nhất mà thị trường rút ra từ cuộc họp trên là Fed bớt tin tưởng rằng lạm phát cao hơn sẽ chỉ mang tính tạm thời. Do đó, Fed có thể tham gia vào nhóm ngân hàng trung ương có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ trên thế giới.
Trong khi nhiều thị trường đã đạt mức cao kỷ lục hoặc cao nhất trong nhiều năm vào những tháng gần đây, giới giao dịch vẫn lo lắng rằng kỷ nguyên chi phí vay rẻ có thể sắp kết thúc. Các nhà phân tích tại công ty môi giới Charles Schwab cho biết, sự không chắc chắn vẫn tồn tại liên quan đến việc liệu Fed có thể quản lý chính sách của mình một cách hiệu quả trong bối cảnh áp lực lạm phát và đà phục hồi kinh tế đều đang tăng tốc hay không.
Tâm lý nhà đầu tư cũng dao động mạnh sau khi Chủ tịch chi nhánh St. Louis của Fed, ông James Bullard nói rằng Fed nên nâng lãi suất sớm nhất là vào cuối năm 2022. Trả lời phỏng vấn trên CNBC, ông Bullard cho biết việc Fed nghiêng về lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ trong cuộc họp mới đây là “lẽ tự nhiên” đặc biệt là với các số liệu lạm phát tăng mạnh gần đây. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh việc nền kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Ông Bullard cũng cho biết ông có thể ủng hộ việc chấm dứt mua chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp, trong bối cảnh thị trường nhà ở bùng nổ và xuất hiện nhiều lo ngại về nguy cơ "bong bóng" tiềm tàng trong lĩnh vực này.
Trước đó, trong một phát biểu, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết khi nền kinh tế tiếp tục mở cửa trở lại, sự thay đổi về nhu cầu có thể lớn và nhanh chóng, và những trở ngại, khó khăn trong tuyển dụng lao động cũng như các ràng buộc khác có thể tiếp tục hạn chế mức độ điều chỉnh nhanh chóng của nguồn cung khiến khả năng lạm phát có thể trở nên cao hơn và dai dẳng hơn.
Công ty nghiên cứu BofA Global Research đã đưa ra dự báo về khả năng thị trường chứng khoán Mỹ đang bước vào một giai đoạn điều chỉnh theo chu kỳ, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, các biện pháp kích thích tài khóa của Mỹ giảm dần và Fed có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ.
Thị trường sẽ theo dõi sát sao các số liệu kinh tế công bố trong tuần tới để tìm kiếm thêm "manh mối" về khả năng Fed điều chỉnh chính sách tiền tệ như thế nào, nếu xu hướng lạm phát gia tăng gần đây tiếp tục duy trì.