Chứng khoán chiều 8/1: Cổ phiếu ngân hàng bùng nổ, STB và EIB tăng trần

Phiên giao dịch ngày 8/1 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN tăng tới 4.100 đồng/cổ phiếu, BVH tăng 1.300 đồng/cổ phiếu, ROS tăng 1.500 đồng/cổ phiếu, FPT tăng 900 đồng/cổ phiếu.

Ở chiều giảm, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VNM lại giảm mạnh tới 3.500 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 2 thị trường là SAB cũng giảm tới 3.300 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, điều này không thể cản nổi đà tăng mạnh mẽ của các chỉ số khi mà sắc xanh đã lan tỏa ra nhiều nhóm cổ phiếu. Đặc biệt là sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp các chỉ số tăng trưởng mạnh mẽ.

Cụ thể, trong nhóm ngân hàng có các mã như ACB, CTG, SHB, EIB, NVB, HDB, VIB, VCB, BID, MBB, VPB, LPB, STB tăng giá rất mạnh; trong đó VPB tăng 2.050 đồng/cổ phiếu, VIB tăng tới 1.600 đồng/cổ phiếu, ACB và MBB tăng 1.300 đồng/cổ phiếu, VCB tăng 1.400 đồng/cổ phiếu.

Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Đặc biệt EIB tăng 900 đồng lên mức giá trần 13.800 đồng/cổ phiếu, STB tăng 950 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh gần 34 triệu đơn vị. Tuy nhiên cổ phiếu STB cũng bị nhà đầu bán ròng tới gần 2 triệu đơn vị.

Kết thúc năm 2017, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng; trong đó 15.000 tỷ đồng là thuộc Đề án tái cơ cấu.

Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank giảm từ 6,68% hồi đầu năm 2017 xuống còn 4,28% vào cuối năm 2017 và dự kiến sẽ giảm về 3% trong năm 2018.

Năm 2017, Sacombank là một trong những ngân hàng có hoạt động tái cơ cấu diễn ra mạnh mẽ nhất, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm sau khi Đại hội đồng cổ đông được tổ chức ngày 30/6 bầu ra Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017 - 2021, ông Dương Công Minh chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank. Trọng tâm của hoạt động tái cơ cấu tại Sacombank là xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng.

Theo đánh giá độc lập của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2017 khá khả quan với lợi nhuận sau thuế của hệ thống ước tăng 44,5% so với năm trước.

Sở dĩ đạt được mức lợi nhuận này, nhiều chuyên gia cho rằng có sự hỗ trợ rất lớn từ tín dụng bởi đây vốn là nguồn sinh lời lớn nhất của ngân hàng. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 rất khả quan, ở mức khoảng 18%, nên lợi nhuận của nhà băng cũng tăng trưởng theo là điều đương nhiên.

Bên cạnh đó, một vài tín hiệu về quá trình tái cơ cấu và quản trị rủi ro trong thời gian vừa qua cũng báo hiệu một năm khấm khá cho ngành ngân hàng.

Không chỉ có nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, sắc xanh cũng lan đến nhóm cổ phiếu dầu khí, dẫn đầu là mã PLX với mức tăng 5.000 đồng/cổ phiếu, PVS tăng cũng tăng mạnh với mức 900 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh trên 8,6 triệu đơn vị, trong khi PVD và PVB cũng đều kết phiên trong sắc xanh.

Với một thị trường bùng nổ thì nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng được lợi với nhiều mã tăng mạnh mẽ như SSI, SHS, HCM, VCI, VND, SBS,...; trong đó SBS được kéo lên mức giá trần.

Kết thúc phiên giao dịch chiều, VN- Index tăng 10,25 điểm lên 1.022,9 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 268,7 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị giao dịch trên 7.284,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 160 mã tăng giá, 39 mã đứng giá và 137 mã giảm giá.

HNX- Index tăng 2,16 điểm lên 121,08 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 66,4 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị trên 952,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 88 mã tăng giá, 61 mã đứng giá và 101 mã giảm giá.

Văn Giáp (TTXVN)
Chứng khoán có tiếp tục tăng nhờ dẫn dắt của cổ phiếu vốn hóa lớn?
Chứng khoán có tiếp tục tăng nhờ dẫn dắt của cổ phiếu vốn hóa lớn?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một sự khởi đầu năm mới theo kịch bản tích cực. Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, VN-Index tăng 28,41 điểm lên 1.012,65 điểm; HNX-Index tăng 2,06 điểm lên 118,92 điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN