Khép lại phiên này, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng giảm 1,8% xuống 19.184,17 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 0,3% xuống 3.260,62 điểm. Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại các thị trường Seoul, Wellington, Đài Bắc, Manila, Mumbai và Bangkok.
Trong khi đó, Tokyo là một trong số ít các thị trường tăng điểm trong phiên này, với chỉ số Nikkei 225 ghi thêm 0,4% lên 32.377,29 điểm.
Tâm lý tích cực nâng đỡ thị trường chứng khoán trong tháng 7 vừa qua đã nhường chỗ cho sự lo ngại rằng dù lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt, nhưng giới chức nước này sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ để đảm bảo có thể kiểm soát được giá cả.
Những lo ngại này càng gia tăng vào ngày 7/8, khi Thống đốc Fed Michelle Bowman nhấn mạnh quan điểm rằng bà cần thấy được bằng chứng chứng minh lạm phát đang trên đà giảm một cách ổn định và đáng kể, và Fed cần tiếp tục tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams cho biết, liệu Fed có cần nâng lãi suất lên cao hơn nữa hay không là “một câu hỏi còn bỏ ngỏ”. Theo ông, nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, lãi suất có thể bắt đầu đi xuống vào năm sau hoặc năm 2025.
Làm gia tăng tâm lý lo ngại trong phiên này là số liệu cho thấy xuất khẩu tháng 7 của Trung Quốc đã giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2020, trong khi nhập khẩu ghi nhận tháng giảm thứ 9 liên tiếp.
Số liệu này càng gia tăng áp lực đối với giới chức Trung Quốc trong việc đưa ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Tại Việt Nam, đóng phiên này, chỉ số VN-Index tăng 0,81 điểm, hay 0,07%, lên 1.242,23 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index ghi thêm 0,38 điểm, hay 0,16% lên 246,07 điểm.