Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tiếp tục giảm 0,9%. Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 135,83 điểm (0,47%), xuống 28.794,50 điểm, do quan ngại mới về đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau những bình luận "cứng rắn" của các quan chức ngân hàng này.
Sự chú ý của thị trường đang hướng đến Hội nghị Jackson Hole - nơi Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu quan trọng về những bước đi tiếp theo của ngân hàng này. Mới đây, Thống đốc chi nhánh Fed tại Richmond, ông Thomas Barkin, ngày 19/8, cho biết hầu hết các ngân hàng trung ương đều đang hướng đến biện pháp tăng lãi suất nhanh hơn. Theo dự báo của các nhà kinh tế do hãng tin Reuters (Anh) thăm dò ý kiến, Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 9/2022 trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát đã đạt đỉnh và những lo lắng về kinh tế suy thoái ngày càng gia tăng.
Triển vọng có thêm nhiều đợt nâng lãi suất nữa của Mỹ đã thúc đẩy đà tăng của đồng USD. “Đồng bạc xanh” trong phiên giao dịch sáng 22/8 đã tăng mạnh so với đồng yen và đang tiến đến ngưỡng 140 yen đổi 1 USD lần đầu tiên trong 24 năm qua. Đồng USD mạnh đã giúp giữ giá dầu giảm, trong khi sức ép đối với thị trường nhiên liệu ngày càng giảm do nhiều khả năng thỏa thuận hạt nhân Iran có thể giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng nguồn cung do tình hình xung đột tại Ukraine.
Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất hơn 1%, kéo dài đà giảm điểm sang phiên thứ tư liên tiếp do lo ngại về việc Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Chốt phiên, chỉ số Kospi hạ 30,19 điểm (1,21%), xuống 2.462,50 điểm.
Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney (Australia), Manila (Philippines) và Jakarta (Indonesia).
Tại Trung Quốc, diễn biến của hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại biến động ngược chiều nhau. Chỉ số Hang Seng giảm 0,6% xuống 19.656,98 điểm. Tuy nhiên, thị trường Thượng Hải lại đi ngược xu hướng chung, với việc chỉ số Shanghai Composite tăng 0,61% lên 3.277,79 điểm, sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – ngân hàng trung ương) hạ lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình phong tỏa phòng dịch COVID-19.
Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch 22/8, VN-Index giảm 8,75 điểm xuống 1.260,43 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 619,4 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 14.839,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 130 mã tăng giá, 326 mã giảm giá và 70 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,21 điểm xuống 294,73 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 106,6 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 2.163 tỷ đồng. Toàn sàn có 65 mã tăng giá, 125 mã giảm giá và 59 mã đứng giá. UPCOM-Index giảm 0,55 điểm xuống 92,22 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 36,3 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 677 tỷ đồng. Toàn sàn có 103 mã tăng giá, 170 mã giảm giá và 70 mã đứng giá.