Chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI (không kể Nhật Bản) đã tăng 5,33%, ghi nhận mức tăng nhiều nhất tính theo ngày kể từ tháng 3/2020. Chỉ số này đã giảm 23% trong năm nay, nhưng dự kiến tăng 7% trong tuần này, mức tăng lớn nhất trong hai năm.
Số liệu công bố ngày 10/11 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ (CPI) đã tăng 7,7% trong tháng 10/2022, và ghi nhận mức tăng dưới 8% đầu tiên kể từ tháng 2/2022 và là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 1/2022.
Nhà kinh tế trưởng Shane Oliver của công ty quản lý tài sản AMP Capital (Mỹ) cho hay đây là điều thị trường chờ đợi lâu nay. Các nhà đầu tư đã đổ tiền vào những tài sản rủi ro sau số liệu trên, kéo đồng USD đi xuống và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ rơi xuống mức thấp của 5 tuần.
Sau 4 đợt tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản liên tiếp để kiềm chế lạm phát ở mức cao trong nhiều thập niên, việc chỉ số CPI mới nhất của Mỹ tăng ít hơn dự kiến giúp Fed có động lực để làm chậm lại kế hoạch tăng lãi suất.
Tại Trung Quốc ngày 11/11, các quan chức y tế đã nới lỏng một số biện pháp hạn chế dịch COVID-19, trong đó rút ngắn thời gian cách ly hai ngày cho khách du lịch và những trường hợp tiếp xúc gần với người mắc COVID-19.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã tăng 7,74% (1.244,62 điểm) lên 17.325,66 điểm. Chỉ số CSI 300 tăng 2,1%. Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 2,73%, còn chỉ số Nikkei 225 của Tokyo (Nhật Bản) tăng 2,75%.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD đã giảm hơn 2% xuống 108,1. Ngày 10/11, đồng bạc xanh đã ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất so với đồng yen kể từ năm 2016, khi giảm 3,7%. Đồng tiền này sau đó đã phục hồi nhẹ tăng 0,46% lên 1 USD đổi 141,60 yen phiên 11/11.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 0,77% lên 954,53 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 1,34% xuống 189,91 điểm.