Doanh thu bán lẻ của Mỹ di ngang ở mức 682,8 tỷ USD trong tháng 7/2022 do giá xăng rời khỏi các mức kỷ lục trong khi người tiêu dùng Mỹ tăng cường chi tiêu cho đồ nội thất, thực phẩm, đồ điện tử và tại các cửa hàng trực tuyến.
Thu nhập từ các chuỗi cửa hàng lớn của Mỹ cũng trái ngược nhau, trong đó lợi nhuận của Lowe vượt ước tính, còn lợi nhuận của Target bị sụt giảm mạnh do nhà bán lẻ phải đối mặt với chi phí tăng.
Cả ba chỉ số chính của Mỹ đều giảm điểm, với chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,5% xuống 33.980,32 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 0,7% xuống 4.274,04 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,3% xuống 12.938,12 điểm.
Quincy Krosby của LPL Financial cho biết thị trường đã bị mua quá mức trong tuần này, đồng thời cho biết các nhà đầu tư đang cố gắng nắm bắt thông tin những lợi nhuận gần đây.
Biên bản cuộc họp gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng Bảy cho thấy ngân hàng trung ương này đã cam kết tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế giá tăng.
Nhưng nhiều quan chức của Fed cảnh báo rằng có "nguy cơ" Fed có thể đi quá xa khi cố gắng hạ nhiệt nhu cầu để giảm lạm phát, vốn đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 40 năm.
Các thị trường châu Âu cũng đi xuống sau số liệu chính thức cho thấy lạm phát ở Anh đã tăng lên mức cao mới trong 40 năm, với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng từ mức 9,4% trong tháng 6/2022 lên 10,1% trong tháng 7/2022.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,3% xuống 7.515,75 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 2% xuống 13.626,71 điểm, còn chỉ số CAC 40 hạ 1% xuống 6.528,32 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 1,3% xuống 3.756,06 điểm.
Vào đầu tháng này, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã cảnh báo rằng lạm phát của Anh sẽ tăng lên trên 13% trong năm nay. Đây sẽ là mức cao nhất kể từ năm 1980. BoE cũng dự báo rằng nước này sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm thay vì vào cuối năm 2023 như dự kiến trước đó.
Các nhà đầu tư vẫn trong trạng thái bấp bênh trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lại lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thắt chặt có thể đe dọa đẩy các nền kinh tế vào suy thoái.
Nhà phân tích Fawad Razaqzada của City Index cho biết các thị trường phản ứng tiêu cực với tin tức về lạm phát. Việc duy trì quan điểm lạc quan về thị trường chứng khoán đang dần trở nên khó khăn với các nhà đầu tư.
Tại thị trường Việt Nam, phiên giao dịch ngày 17/8 tiếp tục ghi nhận thị trường diễn biến khá ảm đạm khi biến động ở các nhóm ngành không đáng kể, thay vào đó có phần giằng co, lực cung-cầu tham gia trong phiên khá cân bằng.
Kết phiên, VN-Index tăng 0,59 điểm lên 1.275,28 điểm; toàn sàn có 189 mã tăng, 247 mã giảm và 82 mã đứng giá. HNX- Index giảm 0,43 điểm xuống 302,59 điểm; toàn sàn có 83 mã tăng, 121 mã giảm và 47 mã đứng giá.