Đồng USD tăng cao trong bối cảnh nhà giao dịch kêu gọi sự thận trọng trước đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ điều chỉnh kế hoạch tăng lãi suất, sau khi lạm phát hạ nhiệt ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Trên phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng phiên giảm 0,6% xuống 33.536,70 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 hạ 0,9% xuống 3.957,25 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,1% xuống 11.196,22 điểm.
Nhà phân tích Patrick O'Hare của Briefing.com cho biết có một chút nghi vấn về việc liệu thị trường có phản ứng thái quá vào tuần trước hay không.
Susannah Streeter, nhà phân tích thị trường và đầu tư cao cấp tại công ty quản lý tài sản Hargreaves Lansdown (Vương quốc Anh), cho biết thêm sự hưng phấn trên thị trường đang giảm dần sau những cảnh báo mới rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn là một nhiệm vụ khó khăn chưa thể giành thắng lợi.
Trong khi Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard ngày 14/11 cho biết có thể sẽ "vẫn còn sớm" để ngân hàng trung ương giảm tốc độ tăng lãi suất, vẫn còn nhiều việc phải làm để tăng lãi suất và hạ nhiệt giá.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu về doanh số bán lẻ của Mỹ, được công bố trong tuần này, để xem xét liệu tình trạng hạ nhiệt có lan sang người tiêu dùng hay không. Số liệu thu nhập từ các nhà bán lẻ lớn như Walmart và Target dự kiến cũng sẽ cung cấp thông tin về mức độ ảnh hưởng của lạm phát đến chi tiêu của người tiêu dùng, một động lực chính của nền kinh tế Mỹ.
Trong khi đó, chứng khoán châu Âu đóng phiên tăng điểm nhờ các dữ liệu thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.
Tại London, chỉ số FTSE 100 tăng 0,9% lên 7.385,17 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 0,6% lên 14.313,30 điểm. Còn chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,2% lên 6.609,17 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,5% lên 3.887,51 điểm.
Nhà phân tích thị trường Fawad Razaqzada tại công ty dịch vụ tài chính City Index (Anh) và FOREX.com cho biết có tin tốt từ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), khi hoạt động sản xuất công nghiệp đạt kết quả tốt hơn dự kiến.
Mặc dù khu vực Eurozone được coi là đang hướng tới suy thoái, song dữ liệu cho thấy mức tăng 0,9% trong tháng 9/2022.
Đồng bảng Anh đã nhanh chóng giảm hơn 1% so với đồng USD khi bài trình bày ngân sách vào ngày 17/11 của Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt đến gần.
Trong khi đó, tâm lý thị trường đã được thúc đẩy bởi việc Trung Quốc nới lỏng một số hạn chế liên quan đến đại dịch và các nhà chức trách được cho là đã công bố kế hoạch hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn của nước này.
Ngành bất động sản của Trung Quốc đã phải chịu áp lực rất lớn kể từ khi các quan chức áp đặt các hạn chế vào năm 2020. Theo các nhà phân tích, những động thái mới nhất cho thấy Bắc Kinh có thể đang chuyển trọng tâm sang hỗ trợ nền kinh tế, một động lực quan trọng của tăng trưởng toàn cầu.
Tuy nhiên, chuyên gia Lu Ting của công ty tài chính Nomura (Nhật Bản) đã cảnh báo rằng "các biện pháp có thể có ít tác động trực tiếp đến việc kích thích mua nhà".
Chốt phiên 14/11, VN-Index giảm 13,49 điểm xuống 941,04 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 666 triệu đơn vị, tương ứng gần 9.449 tỷ đồng. Toàn sàn có 86 mã tăng giá, 370 mã giảm giá và 49 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 6,36 điểm xuống 183,45 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 66,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 762,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 37 mã tăng giá, 170 mã giảm giá và 24 mã đứng giá.