Diễn biến này diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo phiên đấu thầu vàng miếng sáng 3/5 không thành công do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu. Theo giới chuyên gia nhận định phiên đấu thầu bị hủy do doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia đấu thầu vàng. Việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng cho thấy nỗ lực kéo giảm giá vàng trong nước, bình ổn thị trường của cơ quan quản lý, tuy nhiên các chính sách không thể một sớm một chiều phát huy ngay tác dụng, mà thường phải có độ trễ hợp lý.
Trên thị trường vàng trong nước, chiều 3/5, giá vàng tiếp tục tăng thêm khoảng 500.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên sáng nay và khoảng 600.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Cụ thể, tại thời điểm 14 giờ 30 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83,5 - 85,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 600.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 83,5 - 85,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); tăng 900.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 83,6 - 85,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 650.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 950.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại các công ty vàng tăng giảm trái chiều. Cụ thể Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 73,75 - 75,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 180.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 73,68 - 75,28 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 180.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết giá vàng nhẫn tại thị trường Hà Nội ở mức 73,1 - 74,85 triệu đồng/lượng; giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần thông báo lịch đấu thầu vàng miếng SJC vào các ngày 22/4, 23/4 và 25/4, mỗi lần đều đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Tuy nhiên, chỉ có một phiên đấu thầu ngày 23/4 diễn ra theo kế hoạch với kết quả là 2 thành viên trúng thầu, với tổng khối lượng 34 lô (3.400 lượng); giá trúng thầu cao nhất 82,33 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất 81,32 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh giảm mạnh lượng vàng yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng vàng thì sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc đấu thầu vàng miếng nhằm can thiệp kịp thời, xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.