Giá vàng SJC tiếp tục tăng đạt mức cao nhất lịch sử
Đáng nói, giá vàng miếng nhảy vọt ngay sau thông tin phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 4 vào sáng 3/5 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bị hủy bỏ.
Trưa 3/5, giá vàng SJC mua vào – bán ra tại Công ty SJC là 83,50 – 85,80 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng mua vào và 700.000 đồng/lượng bán ra so với phiên ngày 2/5. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra là 2,3 triệu đồng/lượng, đẩy rủi ro về phía người mua vàng.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC mua vào và bán ra đều tăng 400.000 đồng/lượng so với phiên ngày 2/5, giao dịch 83,35 – 85,25 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua và bán là 1,9 triệu đồng/lượng.
Còn ở cơ sở Mi Hồng (TP Hồ Chí Minh), giá vàng SJC đều tăng 600.000 đồng/lượng ở 2 chiều mua và bán với giá niêm yết là 83,60 – 85,10 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC là 82,8 - 85,0 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Mức này tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên ngày 2/5.
Trong khi đó đầu giờ sáng 3/5, giá vàng diễn biến trái chiều khi nơi giảm 100.000 - 200.000 đồng/lượng, nơi tăng 100.000 đồng/lượng. Giá vàng nhẫn nơi giảm 150.000 - 300.000 đồng/lượng (chiều mua) và 150.000 - 250.000 đồng/lượng (chiều bán) nơi tăng 100.000 đồng/lượng mỗi chiều, giao dịch ở mức 73,1 - 73,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 74,8 - 75,28 triệu đồng/lượng (bán ra).
Trên thị trường quốc tế, kim loại quý cũng nhích nhẹ 6 USD lên 2.306 USD/ounce. Diễn biến này khiến khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới giãn rộng. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết vào khoảng 70,8 triệu đồng, thấp hơn vàng miếng SJC gần 15 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này cao hơn nhiều so với vùng 9 - 11 triệu đồng/lượng của những ngày trước.
Trước đó, giới đầu tư và người dân kỳ vọng về các phiên đấu thầu vàng do NHNN tổ chức hiệu quả sẽ giải tỏa được “cơn khát” thiếu nguồn cung, từ đó giảm được sự chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới.
Đến nay, NHNN đã có 4 lần thông báo lịch đấu thầu vàng miếng SJC vào các ngày 22/4, 23/4, 25/4 và 3/5. Tuy nhiên chỉ có phiên đấu thầu ngày 23/4 là diễn ra theo đúng kế hoạch. Còn 3 phiên đấu thầu vàng bị hủy do không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu.
Trưa 3/5, NHNN lại phát đi thông báo hủy thầu phiên đấu thầu vàng miếng do chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu. Trước đó, theo văn bản gửi tới các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp chiều 2/5, NHNN thông báo sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC vào 9 giờ sáng 3/5. Các đơn vị tham gia được yêu cầu đặt cọc 10% với giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 82,9 triệu đồng/lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu mỗi thành viên được phép mua là 14 lô (tương đương 1.400 lượng), khối lượng đặt thầu tối đa là 20 lô (tương đương 2.000 lượng). Bước giá dự thầu 10.000 đồng/lượng, bước khối lượng dự thầu là 1 lô (100 lượng).
Đề xuất đưa giá khởi điểm đấu thầu vàng thấp hơn nữa
Theo các chuyên gia tài chính, các doanh nghiệp đang không mặn mà đấu thầu vàng miếng do mức giá tham chiếu NHNN đưa ra cao; các doanh nghiệp phải đặt cọc và mua với khối lượng lớn, dẫn đến chi phí lớn và cũng tiềm ẩn rủi ro khi “ôm” vàng.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Mục tiêu đấu thầu vàng miếng của NHNN là để tăng nguồn cung cho thị trường vàng, giảm độ vênh giữa giá vàng trong nước với thế giới. Thế nhưng, liên tiếp các phiên đấu thầu vừa qua, các doanh nghiệp không mặn mà.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Thông thường, các đơn vị tham gia đấu thầu sẽ tính toán để mua khối lượng vàng hợp lý với mức giá hấp dẫn để kỳ vọng bán ra có lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu phải mua với số lượng lớn, theo quy định đấu thầu của NHNN tối thiểu phải “ôm” 1.400 lượng vàng, rủi ro sẽ kéo theo đối với đơn vị mua vàng, chưa kể thời gian chờ nhận vàng, giao vàng và bán vàng sẽ kéo dài, trong khi giá vàng thế giới luôn biến động khó lường.
Để đấu thầu vàng thành công, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế kiến nghị: NHNN cần xây dựng lại mức giá đấu thầu phù hợp; tỷ lệ đặt cọc 10% cũng là con số khá lớn, cần xem lại. “Nếu sửa đổi các điều kiện và mức giá vàng đầu thầu, tỷ lệ vàng trúng thầu thành công sẽ cao hơn”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh chia sẻ với phóng viên báo Tin tức.
Dù vậy, theo chuyên gia kinh tế này, với nhu cầu thị trường hàng chục tấn vàng/năm của thị trường, việc đấu thầu 16.800 tấn vàng như “muối bỏ bể”. Không ít chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: Đấu thầu vàng không phải là giải pháp căn cơ. Về lâu dài, Chính phủ, NHNN cần sớm ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: NHNN đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, chưa thể giải quyết được bài toán cung cầu và thu hẹp giá trong nước - quốc tế. Muốn bình ổn được thị trường, phải cân đối được cung cầu. Hiện, NHNN là đơn vị duy nhất có thể nhập khẩu vàng, nhưng NHNN nên rút lại vai trò quản lý, trao lại việc nhập khẩu vàng cho các đơn vị kinh doanh vàng có uy tín dưới sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. NHNN cũng nên cấp hạn ngạch (quota), cho phép các nhà kinh doanh uy tín nhập vàng nguyên liệu, thành lập sàn giao dịch vàng Quốc gia...