Chốt phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,7% lên 27.993,35 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,1% lên 20.165,84 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,2% lên 3.259,96 điểm.
Kết quả kinh doanh khả quan từ những “gã khổng lồ” trên Phố Wall như Amazon và Apple đã giúp thị trường Mỹ khép lại tuần trước với mức tăng tích cực, đồng thời xoa dịu mối lo ngại về tác động từ đà tăng lạm phát và chi phí đi vay đối với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày từ 26-27/7 cho thấy ngân hàng trung ương này có thể bắt đầu giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ. Thông tin này cũng giúp thúc đẩy đà tăng cho chứng khoán.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng lạm phát sẽ mất thời gian để giảm từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ do đó Fed vẫn sẽ tiến hành thêm các đợt tăng lãi suất nữa trong thời gian tới.
Theo một số nhà quan sát, sức ép lạm phát có thể dịu bớt sau khi chuyến tàu đầu tiên chở ngũ cốc của Ukraine rời cảng Odessa theo thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc mà Nga và Ukraine đã ký kết riêng biệt tại Istanbul.
Trong khi đó, Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc vừa công bố cho thấy hoạt động sản xuất của nước này bất ngờ sụt giảm trong tháng Bảy do nhu cầu yếu và các hạn chế nghiêm ngặt để phòng chống COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), một thước đo chủ chốt về hoạt động sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã đạt 49 vào tháng Bảy, giảm so với mức 50,2 của tháng Sáu và dưới mốc 50, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Kết thúc phiên giao dịch 1/8 tại Việt Nam, VN-Index tăng 25,02 điểm lên 1231,35 điểm; toàn sàn có 359 mã tăng, 105 mã giảm và 60 mã đứng giá. HNX- Index tăng 6,01 điểm lên 294,62 điểm; toàn sàn có 152 mã tăng, 51 mã giảm và 53 mã đứng giá.