Cụ thể, giá dầu Brent giảm 11 xu Mỹ (1%) xuống 114,13 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giảm 22 xu Mỹ (0,2%) xuống 113,98 USD/thùng. Giá cả hai mặt hàng này đều tăng hơn 2% trong phiên 16/5, sau khi tăng 4% trong phiên 13/5.
Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga là một trong những nội dung chính tại Hội nghị Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 16/5 ở thủ đô Brussels (Bỉ). Tuy nhiên, EU đã không đạt được sự đồng thuận do Hungary cùng các quốc gia Đông Âu khác, những nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu mỏ từ Nga, không ủng hộ gói trừng phạt này.
Về phía nguồn cung, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu tại khu vực lòng chảo Permian ở bang Texas và New Mexico, các địa điểm sản xuất dầu lớn của Mỹ, dự kiến tăng 88.000 thùng/ngày trong tháng Sáu.
Theo các nhà phân tích, thị trường vẫn lạc quan vào triển vọng của giá dầu khi nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc dự kiến phục hồi sau chính sách nới lỏng liên quan đến dịch COVID-19. Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến hàng ngày, Phó Thị trưởng Thượng Hải Zong Ming công bố kế hoạch đưa thành phố 25 triệu dân này trở lại cuộc sống bình thường sau hơn 6 tuần áp đặt lệnh phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, từ ngày 16/5, các siêu thị, cửa hàng tiện ích và hiệu thuốc được mở cửa trở lại; từ ngày 1/6 khôi phục cuộc sống bình thường. Thành phố cũng có kế hoạch tăng dần các chuyến bay nội địa và dịch vụ đường sắt.
Bên cạnh đó, nhà phân tích Tina Teng của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) cho rằng giá dầu còn nhận được hỗ trợ nhờ căng thẳng địa chính trị giữa EU và Nga.
Bộ Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu trong Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) đã giảm xuống 538 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ năm 1987.