Cụ thể, tính đến 10 giờ 35 phút, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 20 điểm xuống 1.171 điểm. Toàn sàn có 345 mã giảm giá trong khi chỉ có 104 mã tăng giá.
HNX-Index tăng 2 điểm lên hơn 232 điểm. Toàn sàn có 116 mã giảm, trong khi có 60 mã tăng giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 29 mã giảm giá, trong khi chỉ có 1 mã tăng giá là ROS. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chỉ còn mỗi VBB giữ sắc xanh nhẹ. Hầu hết các mã còn lại đều chìm trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng chìm trong sắc đỏ với hàng loạt mã lớn trong nhóm PLX, GAS, BSR, PVB, PVD, PVC, PVS... đều có mức giảm sâu.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến rất tiêu cực với sự giảm giá mạnh của SSI, BVS, CTS, VND, SHS, VCI, HCM...
Tại thời điểm 10 giờ 42 phút, VN-Index tiếp tục nới rộng đà giảm khi giảm tới hơn 23 điểm, trong khi HNX-Index cũng quay đầu giảm gần về mốc tham chiếu.
Trước đó, trên thị trường chứng khoán thế giới. Cụ thể là thị trường chứng khoán châu Âu trong phiên giao dịch 18/1 hầu hết đi lên, bất chấp những hoài nghi về việc thông qua gói kích thích kinh tế mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden.
Chốt phiên này, chỉ số DAX 30 tại Frankfurt (Đức) tăng 0,4% lên 13.848,35 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) tăng 0,1% lên 5.617,27 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,1% lên 3.602,58 điểm. Trong khi đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 0,2% xuống 6.720,65 điểm.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 18/1, sau đà phục hồi gần đây, dù các thị trường Hong Kong và Thượng Hải đi lên nhờ số liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 tăng trưởng mạnh hơn dự kiến.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,97%, hay 276,97 điểm, xuống 28.242,21 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2.33%, hay 71,97 điểm, xuống 3.013,93 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) chốt phiên tăng 1,01%, hay 288,91 điểm, lên 28.862,77 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,84%, hay 29,85 điểm, lên 3.596,22 điểm.
Thị trường Hong Kong và Thượng Hải tăng sau khi các số liệu chính thức cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,3% trong năm ngoái, vượt mức dự báo trước đó. Mặc dù đây là mức tăng yếu nhất trong bốn thập niên song điều này cho thấy đà tăng trưởng đang phục hồi.