Canada áp mức thuế chống bán phá giá tạm thời với dây thép từ Việt Nam 

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, ngày 6 tháng 6 năm 2024, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đã ban hành kết luận sơ bộ về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng dây thép có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam.

Theo đó, mức thế chống bán phá giá tạm thời dành cho doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức thấp nhất (từ 6,1% đến 38,9%) so với doanh nghiệp Trung Quốc (50,9% - 71,1%) và Ai Cập (49,7% - 99,8%) bị CBSA điều tra lần này.

Cục Phòng vệ thương mại cho hay, Bản tuyên bố lý do (Statements of Reasons) tổng hợp những thông tin Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada đã sử dụng để đưa ra quyết định, sẽ được ban hành trong vòng 15 ngày và được đăng tải trên trang web của CBSA, tại www.cbsa-asfc.gc.ca/sima. Hiện nay, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada vẫn tiếp tục quá trình điều tra và dự kiến sẽ ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 4 tháng 9 năm 2024.

Trước đó, ngày 8 tháng 3 năm 2024, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán giá đối với mặt hàng dây thép có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam.

Cụ thể, tên sản phẩm: dây thép (Wire Rod). Mã HS: 7213.91.00.42; 7213.91.00.43; 7213.91.00.49; 7213.91.00.50; 7213.91.00.60; 7213.91.00.70; 7213.99.00.11; 7213.99.00.12; 7213.99.00.31; 7213.99.00.32; 7213.99.00.51; 7213.99.00.52; 7227.20.00.20; 7227.20.00.90; 7227.90.00.60; 7227.90.00.70; 7227.90.00.81; 7227.90.00.82; 7227.90.00.83. Nguyên đơn là Ivaco Rolling Mills 2004 LP.

CBSA sẽ ban hành kết luận sơ bộ trong vòng 90 ngày kể từ ngày khởi xướng. Ngoài ra, Tòa án Thương mại quốc tế Canada (CITT) tiến hành xác định thiệt hại của việc nhập khẩu hàng hóa bị điều tra đối với ngành sản xuất nội địa của Canada, và đưa ra kết luận trong vòng 60 ngày kể từ ngày khởi xướng. Trong trường hợp CITT kết luận không có thiệt hại, vụ việc sẽ được chấm dứt.

Căn cứ các thông tin nêu trên, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp Đăng ký làm Bên liên quan để nhận được Bản câu hỏi điều tra và các thông tin từ Cơ quan điều tra Canada; đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và cung cấp thông tin theo đúng thời hạn quy định; phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Xung quanh vấn đề này, ngay từ những ngày đầu tháng 3, Cục Phòng vệ thương mại đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ Canada điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng dây thép nhập khẩu từ Việt Nam. Bởi theo Cục Phòng vệ thương mại, tính đến nay, Canada đã khởi xướng điều tra 8 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 5 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc chống trợ cấp và 1 vụ việc tự vệ. Theo đó, Canada nhắm tới hầu hết các mặt hàng/loại hình thép xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thép cốt bê tông, thép tấm chống ăn mòn, thép cuộn, ống thép dẫn dầu OCTG…

Với chính sách giám sát và siết chặt quản lý với thép nhập khẩu để bảo vệ thị trường nội địa, dự kiến trong thời gian tới, theo Cục Phòng vệ thương mại, Canada sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều tra nhằm áp dụng với những mặt hàng/loại hình thép còn lại của Việt Nam, trong đó có mặt hàng dây thép. Đây là mặt hàng được ứng dụng rộng rãi trong bê tông dự ứng lực (PC Wire), khung dù, hạt bi sắt lốp xe (TBW), dây piano, lõi dây của các dây dẫn, dây cáp dùng cho thang máy, cần cẩu, lõi điện cực hàn, đinh…

Số liệu thống kê từ Trademap cho thấy, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thép dây của Việt Nam sang Canada tăng nhanh trong các năm trở lại đây. Năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 10 triệu USD dây thép sang Canada. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng gấp đôi lên 21 triệu USD trong năm 2021 và tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 40 triệu USD trong năm 2022. Việc gia tăng tuyệt đối về trị giá là một trong các tiêu chí để Canada tiến hành điều tra, áp dụng biện pháp Phòng vệ thương mại đối với dây thép của Việt Nam.

Căn cứ các thông tin nêu trên, Cục Phòng vệ thương mại đưa ra cảnh báo về nguy cơ Canada điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng dây thép nhập khẩu từ Việt Nam, đồng thời khuyến nghị doanh nghiệp, cụ thể: Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan cần rà soát lại việc xuất khẩu dây thép sang thị trường Canada (tham khảo các mã HS: 7223, 7213, 7227, 7306), chuẩn bị ứng phó trong trường hợp Canada tiến hành điều tra vụ việc phòng vệ thương mại; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại của Canada. Trong trường hợp bị điều tra, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan cần có chiến lược tham gia, xử lý vụ việc; hợp tác đầy đủ theo yêu cầu của Cơ quan điều tra; thường xuyên phối hợp để nhận được sự hỗ trợ từ Cục Phòng vệ thương mại.

Uyên Hương (TTXVN)
Gia hạn điều tra chống bán phá giá cáp thép dự ứng lực thêm 6 tháng
Gia hạn điều tra chống bán phá giá cáp thép dự ứng lực thêm 6 tháng

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa thông báo gia hạn thời hạn điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá cáp thép dự ứng lực từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc thêm 6 tháng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN