Đây không phải là lần đầu tiên có quy định cấm sử dụng chung cư làm văn phòng. Đặc biệt, với Nghị định 99 có hiệu lực từ cuối năm 2015 nhưng tình trạng này vẫn không thuyên giảm. Đánh giá của ông về vấn đề này như thế nào?
Trước đây, chúng ta chưa thực hiện quyết liệt vấn đề này là do chưa có quy định của pháp luật, tức là Luật Nhà ở chưa có quy định nghiêm cấm. Thời điểm cách đây 4-5 năm, yêu cầu các chủ căn hộ, hộ gia đình cá nhân không được cho thuê chung cư làm địa điểm kinh doanh là chưa có cơ sở pháp lý. Nhưng sau khi Quốc hội thông qua Luật Nhà ở mới (có hiệu lực năm 2015) thì các cấp, ngành, địa phương sẽ triển khai theo quy định. Bây giờ, không thể nói là không thực hiện được nữa. Theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP (Nghị định 99) thì trong vòng 6 tháng từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành (10/12/2015) thì các hộ kinh doanh, gia đình, cá nhân, các cơ quan có liên quan phải chuẩn bị triển khai; phải tìm giải pháp để chuyển ra khỏi căn hộ đó. Điều này có nghĩa là khi đã sử dụng vào mục đích kinh doanh thì phải tìm địa điểm khác để kinh doanh, phải điều chỉnh địa điểm kinh doanh trong giấy phép kinh doanh, giấy thành lập doanh nghiệp. Tính thời gian thì mới triển khai được vài tháng. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến rất nhiều ngành. Các địa phương cũng đang bắt đầu thực hiện. Về phía Bộ Xây dựng cũng đã có tập huấn, tuyên truyền và đề nghị các địa phương phải triển khai. Theo tôi, trong thời gian tới, các địa phương phải quyết liệt hơn để thực hiện quy định này.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại về việc giám sát, quản lý thực hiện các quy định này tại các chung cư. Xin ông cho biết thêm về trách nhiệm của các bên liên quan?
Khi Quốc hội thông qua Luật Nhà ở năm 2015 có quy định cấm sử dụng nhà chung cư làm văn phòng và để triển khai quy định này, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Nghị định 99; trong đó có quy định về nội dung này với 3 đối tượng liên quan phải thực hiện. Theo đó, các hộ gia đình cá nhân đã sử dụng căn hộ làm văn phòng hoặc cho thuê làm kinh doanh phải tìm giải pháp để chuyển ra khỏi căn hộ đó. Tuy nhiên, các cơ quan đăng ký kinh doanh, ví dụ như Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương, cũng phải xem xét để chuyển địa điểm kinh doanh khỏi nơi đăng ký kinh doanh. Tại Nghị định 99 cũng nêu rõ, Chính phủ giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh, thành phố phải chỉ đạo nghiêm các quy định của pháp luật; trong đó có quy định về cấm sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng, địa điểm kinh doanh. Để triển khai Nghị định này, trong thời gian vừa qua Bộ Xây dựng cũng đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn các chính sách có liên quan; trong đó có quy định này. Như vậy, theo quy định của pháp luật nhà ở, trách nhiệm chính trong việc triển khai Nghị định này là UBND cấp tỉnh. Ngoài ra còn có Sở Xây dựng địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND các quận, huyện mà có nhà chung cư có trường hợp sử dụng này. Đây là những cơ quan có trách nhiệm chính trong việc triển khai Nghị định cấm sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng, địa điểm kinh doanh.
Như vậy, để thực hiện Nghị định 99 sẽ cần có sự chung tay giúp sức của các ngành liên quan và cả các địa phương. Và để đảm bảo sự nghiêm minh, xin ông cho biết về các chế tài xử phạt?
Luật Nhà ở mới có quy định cấm hành vi này và để triển khai phải đưa vào quy định xử lý vi phạm hành chính. Các hộ gia đình cá nhân cố tình vi phạm, trường hợp cơ quan nhà nước cố tình đăng ký không đúng quy định, vi phạm này dưới cấp độ ngành, hiện đang được hoàn thiện. Thanh tra Bộ chủ trì và đang hoàn thiện trong đó có quy định về xử lý trường hợp cấm này. Luật Nhà ở quy định là nghiêm cấm, không được sử dụng căn hộ chung cư vào các mục đích kinh doanh. Còn đối với phần được thiết kế sử dụng làm văn phòng ở trung tâm thương mại thì vẫn làm bình thường. Như vậy, sẽ không có việc đăng ký địa điểm kinh doanh tại các căn hộ chung cư. Đây là quy định của luật, còn trình tự thủ tục đăng ký kinh doanh thì các Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương sẽ thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư. Trách nhiệm của UBND cấp tỉnh là triển khai quyết liệt quy định này, tức là chỉ đạo các cấp, các ngành, ví dụ như chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện có địa điểm kinh doanh phải tổ chức kiểm tra, thanh tra, nếu vi phạm phải xử phạt. Bộ Xây dựng đã đề xuất đưa các quy định về xử phạt quy định hành chính; trong đó quy định về vi phạm sử dụng căn hộ làm địa điểm kinh doanh đưa vào Nghị định về xử phạt hành chính. Sau khi Nghị định có hiệu lực thì chắc chắn các địa điểm kinh doanh sẽ bị xử lý. Cùng đó, trong quy chế quản lý nhà chung cư, Bộ Xây dựng cũng đưa ra các quy định, đó là nghiêm cấm sử dụng các căn hộ vào mục đích trái pháp luật. Bên cạnh đó cần tuyên truyền để người dân hiểu nếu sử dụng sai mục đích, tiếp tục dùng căn hộ chung cư làm văn phòng, địa điểm kinh doanh sẽ dẫn tới hậu quả về công năng sử dụng cũng như các vấn đề tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, chất lượng công trình...
Trân trọng cảm ơn ông!