Phố Wall ghi nhận những biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 5/8, kéo theo những biến động tại thị trường châu Á ngày 8/8. Trong đó, giá chứng khoán tại các thị trường Hong Kong (Trung Quốc), Sydney, Seoul, Singapore, Manila, Jakarta và Wellington đồng loạt đi xuống. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,2% lên 28.241,09 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) duy trì ở mức 3.227 điểm. Dữ liệu thương mại của thị trường Trung Quốc được cho là khả quan hơn mong đợi, trong bối cảnh dấy lên những lo ngại về khả năng chính phủ áp dụng biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19, có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế.
Khả năng FED tăng cao lãi suất khiến giá đồng USD duy trì mức tăng ở khu vực châu Á. Trong khi đó, những rủi ro về suy thoái tại các nền kinh tế hàng đầu tiếp tục gây sức ép lên giá dầu, khi các nhà đầu tư lo ngại về tác động đối với nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu. Số liệu tuần trước cho thấy người Mỹ đã giảm lái xe so với mùa Hè năm 2020, khi làn sóng dịch ở mức cao điểm.
Việc Mỹ tăng dự trữ dầu là 1 phần nguyên nhân khiến mặt hàng này giảm 10% vào tuần trước. Bên cạnh đó, việc Mỹ và châu Âu áp đặt trừng phạt đối với dầu khí Nga do ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine cũng tạo áp lực đối với nguồn cung dầu khí.
Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ đưa ra ngày 5/8 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 528.000 việc làm trong tháng 7, cao hơn gấp đôi con số 258.000 việc làm do các chuyên gia kinh tế dự báo trước đó. Những dữ liệu thống kê phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế hàng đầu thế giới, bất chấp giá cả và chi phí vay tăng, song gây nhiều khó khăn hơn cho ngân hàng trong việc lập kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ.
Hiện các đồn đoán nghiêng về khả năng FED sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75% lần thứ 3 liên tiếp vào tháng tới, đặc biệt khi các quan chức cho biết quyết định của họ sẽ phụ thuộc vào dữ liệu.
Thị trường thế giới đang trông chờ dữ liệu về lạm phát tại Mỹ tháng 7, dự kiến được công bố tuần này. Các chuyên gia dự báo rằng lạm phát tháng 7 sẽ giảm so với tháng 6, nhưng vẫn ở mức kỷ lục trong 40 năm. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Stephen Innes của công ty tài chính SPI Asset Management nhận định rằng báo cáo lạm phát này sẽ không tác động lớn đến quan điểm áp dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ cứng rắn hiện nay của FED.