Tuy nhiên trong cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,6%, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 1,9%, và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 4,2%.
Chốt phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones giảm 179,03 điểm, hay 0,57%, xuống 30.996,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,6 điểm, hay 0,3%, xuống 3.841,47 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 12,15 điểm, hay 0,09%, lên 13.543,06 điểm.
Các nhà đầu tư không tìm được nhiều lý do để mua cổ phiếu trong phiên cuối tuần sau khi các kỷ lục được lập trong tuần, khi số ca mắc COVID-19 mới gia tăng và các biện pháp phong tỏa trên toàn cầu đã làm giảm sự hỗ trợ đối với các chỉ số chứng khoán.
Số liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt mức 97,5 triệu vào ngày 22/1, trong khi số ca tử vong tăng lên trên 2,09 triệu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết các biện pháp phong tỏa được thực hiện gần đây ở nước này có thể kéo dài đến mùa Hè. Trung Quốc đã xuất hiện ca nhiễm trở lại lần đầu tiên trong nhiều tháng, với 103 ca, trong khi Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) lần đầu tiên thực hiện các biện pháp phong tỏa ngay trước Tết Nguyên đán.
Tại Mỹ, Tiến sỹ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, ngày 21/1 cho biết số liệu mới cho thấy lượng vaccine trên thị trường hiện ít hiệu quả hơn với các chủng của virus SARS-COV-2.
Số liệu cho thấy chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) ở Khu vực sử dụng đồng euro theo khảo sát của IHS Markit giảm trong tháng Một xuống mức thấp nhất trong hai tháng, làm tăng nguy cơ suy thoái ở khu vực này.
Tuy nhiên, PMI về các lĩnh vực dịch vụ và chế tạo của Mỹ tháng Một lại khả quan hơn so với tháng 12. PMI của lĩnh vực dịch vụ tăng lên mức cao nhất trong hai tháng là 57,5, so với 54,8 tháng 12/2020, trong khi PMI của lĩnh vực chế tạo tăng lên mức kỷ lục 59,1, so với 57,1, cho thấy kinh tế Mỹ đang khởi đầu năm 2021 một cách vững vàng.
Trước đó, các chỉ số chứng khoán chủ lực của Mỹ chốt phiên 19/1 tăng điểm, khi các nhà đầu tư hy vọng về các biện pháp kích thích bổ sung, trong lúc đang đánh giá về báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp. Chỉ số Dow Jones tăng 116,26 điểm, hay 0,38%, lên 30.930,52 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 30,66 điểm, hay 0,81%, lên 3.798,91 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 198,68 điểm, hay 1,53%, lên 13.197,18 điểm.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ lên mức cao kỷ lục trong phiên 20/1, khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ và kết quả kinh doanh khả quan của Netflix thúc đẩy đà tăng cho nhóm cổ phiếu của những doanh nghiệp hưởng lợi từ chính sách khuyến khích "ở nhà". Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones tăng 257,86 điểm, (0,83%) lên 31.188,38 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 52,94 điểm (1,39%) lên 3.851,85 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 260,07 điểm (1,97%) lên 13.457,25 điểm.
Trong phiên 21/1, chỉ số Nasdaq tăng lên mức cao kỷ lục mới nhờ tâm lý lạc quan của giới đầu tư về sự chuyển giao quyền lực tại Nhà Trắng. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde cảnh báo về những thách thức liên quan đến dịch COVID-19. Tại New York, chỉ số Dow Jones giảm nhẹ 0,1% xuống 31.176,01 điểm, chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,1% xuống 3.853,07 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,6% lên 13.530,91 điểm.
Theo Giám đốc đầu tư của Liniam Capital, Keith Hembre, những hy vọng đang được đặt vào các bước đi quyết liệt của chính phủ của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden, cả về các cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế, và các thị trường đang đợi các diễn biến rõ ràng hơn.
Các nhà phân tích không tin rằng đề xuất về gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD của ông Biden sẽ được giữ nguyên tại Thượng viện khi tân Tổng thống đang tìm kiếm sự đồng thuận tại Quốc hôi.
Điều cũng gây quan ngại là các kết quả kinh doanh quý, tập trung vào Intel Corp. Giá cổ phiếu của tập đoàn này giảm trong phiên cuối tuần, sau khi báo cáo kết quả về kế hoạch giải quyết các vấn đề dài hạn.