Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 348,58 điểm, hay 1%, xuống 32.899,70 điểm, qua đó kết thúc tuần qua với mức giảm 0,9%. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 68,28 điểm, hay 1,6%, xuống 4.108,54 điểm, đánh dấu mức giảm 1,2% cho cả tuần. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng để mất 304,16 điểm, hay 2,5%, và đóng phiên 3/6 ở mức 12.012,73 điểm, kết thúc tuần qua với mức giảm 1%.
Số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã 390.000 việc làm trong tháng Năm, cao hơn dự đoán tăng 328.000 việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định ở mức 3,6% trong tháng trước và mức tăng trưởng tiền lượng đã giảm từ 5,5% trong tháng trước đó xuống 5,2%.
Ông Matt Peron, giám đốc nghiên cứu của công ty quản lý đầu tư Janus Henderson Investors (Vương quốc Anh), cho rằng dù đây là dấu hiệu cho thấy lạm phát đang đạt đỉnh, nhưng mức tăng tiền lương này vẫn còn quá cao. Vì thế, khả năng Fed nâng lãi suất sẽ vẫn là “cơn gió ngược” đối với thị trường.
Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Lael Brainard tiếp tục bày tỏ thái độ cứng rắn trong vấn đề lạm phát, khi cho biết Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất đến hết tháng Chín.
Trước đó, sau kỳ nghỉ lễ từ cuối tuần trước kéo dài đến hết ngày 30/5, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm hai phiên liên tiếp 31/5 và 1/6, giữa bối cảnh tâm lý lo lắng của giới đầu tư về lạm phát, kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và niềm tin người tiêu dùng suy yếu, đã ngăn thị trường kéo dài đà tăng của tuần trước.
Sau đó, Phố Wall đã đảo chiều tăng điểm trong phiên 2/6 trước khi số liệu việc làm được công bố, trong bối cảnh thị trường đang quan tâm đến tác động của lạm phát và chính sách tiền tệ.
Chuyên gia Brad Bechtel thuộc ngân hàng đầu tư Jefferies của Mỹ nhận định thị trường cổ phiếu đã có mức tăng hiếm hoi trong tuần trước song lại ở trong trạng thái phòng thủ trong tuần này. Theo ông Bechtel, thị trường sẽ dao động qua lại trong vài tháng tới cho đến khi nhà đầu tư có được một số bằng chứng chắc chắn cho thấy lạm phát đang giảm xuống.