Đối với vay trong nước trong năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã huy động vốn vay trong nước 250,5 nghìn tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi ngân sách trung ương và trả nợ gốc, đạt 90,8% so với kế hoạch và chiếm 78,6% cơ cấu vay vốn của Chính phủ, trong đó kênh phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ khoảng 3.010 triệu USD, chiếm 21,4% cơ cấu huy động vốn của Chính phủ.
Năm 2018, Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 16.545 tỷ đồng (bằng 95% kế hoạch) với 74,3% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Còn Ngân hàng chính sách xã hội huy động được 9.670 tỷ đồng (bằng 100% hạn mức phát hành) với 71% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.
Đối với tình hình bảo lãnh cho doanh nghiệp, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Năm 2018 đã thực hiện cấp bảo lãnh chính phủ cho 2 dự án điện của EVN và PVN với tổng trị giá hơn 1,6 tỷ USD.
Theo ông Võ Hữu Hiển, năm 2018, đã thực hiện cấp bảo lãnh Chính phủ cho 2 dự án điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là: Dự án Nhà máy điện Vĩnh Tân 4 mở rộng và Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với tổng giá trị là 1,614 tỷ USD (hơn 37.000 tỷ đồng).
Đánh giá về hiệu quả bao gồm cả khả năng trả nợ của 2 dự án trên, ông Võ Hữu Hiển cho biết: Bộ Công Thương là đơn vị chủ quản sẽ phải thực thi trách nhiệm này. Đây là những dự án trọng điểm quốc gia cấp thiết để đầu tư nên Chính phủ giao Bộ Tài chính cấp bảo lãnh. Đánh giá về khả năng trả nợ, các ngân hàng thương mại cũng phải tính đến mức độ rủi ro của 2 dự án trên, có hiệu quả thì mới quyết định cho vay. Hơn 1,6 tỷ USD là cấp bảo lãnh cho năm 2018. Nhưng giá trị những dự án này sẽ biến đổi theo tỷ giá, còn tiến độ như thế nào là phụ thuộc vào doanh nghiệp.
Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2018, nợ công/GDP chiếm 58,4% (mục tiêu từ 65% trở xuống); nợ Chính phủ/GDP 50% (mục tiêu từ 54% trở xuống); nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách nhà nước 15,9% (mục tiêu từ 25% trở xuống); nợ nước ngoài quốc gia/GDP 46% (mục tiêu từ 50% trở xuống)
Bộ Tài chính lý giải, các chỉ tiêu nợ nói trên đảm bảo trong giới hạn do nền tảng vĩ mô khởi sắc, tăng trưởng GDP vượt kế hoạch và đạt mức cao nhất trong 11 năm qua. Điều hành chính sách tài khóa đạt được nhiều thành quả khả quan, thu cân đối ngân sách ước vượt 7,8% so với dự toán, dự kiến bội chi ngân sách thấp hơn so với dự toán là 3,7% GDP, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn vay của Chính phủ.