Năm 2023, Việt Nam đã sản xuất được 29,1 triệu bao cà phê loại 60 kg, trong khi Indonesia đóng góp 11,85 triệu bao. Các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Lào và Philippines cũng đang tăng sản lượng.
Dự báo giai đoạn năm 2024 - 2032, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm của thị trường cà phê toàn cầu sẽ là 5,4%.
Tuy nhiên, nhiệt độ tăng cao, lượng mưa thất thường và hạn hán kéo dài đang ảnh hưởng đến cây cà phê ở khu vực Đông Nam Á và nhiều vùng trồng trọt khác. Ngoài ra, các loài sinh vật gây hại như sâu đục quả cà phê, vốn phát triển mạnh trong điều kiện ấm hơn, đang làm trầm trọng thêm tình hình, dẫn đến tình trạng mất mùa đáng kể.
Theo dự báo, đến năm 2050, có tới 50% diện tích đất thích hợp để trồng cà phê trên toàn cầu có thể bị mất do biến đổi khí hậu. Thực tế tàn khốc là các vùng sản xuất cà phê chủ chốt nằm ở Vành đai Cà phê - giữa 20 độ vĩ bắc và 30 độ vĩ nam của đường xích đạo - là những vùng dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Điều này khiến nguồn cung cà phê trên toàn cầu đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng.
Trong bài viết đăng tải trên trang mạng “Diễn đàn Đông Á”, nghiên cứu viên “Chương trình Thách thức lớn về Năng lượng Không phát thải Carbon đối với châu Á - Thái Bình Dương” của Đại học Australia (ANU) Đỗ Nam Thắng nhận định những tác động lâu dài của biến đổi khí hậu đối với ngành cà phê là đáng lo ngại. Khi điều kiện khí hậu trở nên tồi tệ hơn, nguồn cung cà phê từ Đông Nam Á và các khu vực quan trọng khác có khả năng sẽ giảm.
Trong bối cảnh nhu cầu cà phê trên toàn cầu đang tăng lên, do dân số tăng và đồ uống này ngày càng được ưa chuộng, hậu quả kinh tế là không thể tránh khỏi. Khi năng suất cà phê giảm, giá sẽ tăng, tác động đến toàn bộ thị trường. Kể từ đầu năm 2023, giá cà phê robusta trên thị trường quốc tế đã tăng gần gấp đôi, chủ yếu là do hạn hán ảnh hưởng tới năng suất cây trồng.
Mặc dù một số nhà sản xuất cà phê có thể được hưởng lợi từ giá cao hơn trong ngắn hạn, song triển vọng dài hạn lại rất ảm đạm. Những thách thức dai dẳng về khí hậu có thể khiến việc trồng cà phê trở nên không bền vững, buộc những người nông dân sản xuất nhỏ lẻ phải từ bỏ việc trồng trọt.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với cà phê không chỉ giới hạn ở Đông Nam Á. Mỹ Latinh và châu Phi, những vùng sản xuất cà phê lớn khác, cũng đang phải đối mặt với những thách thức tương tự. Tác động kết hợp này có thể làm giảm đáng kể nguồn cung cà phê toàn cầu.
Giá cả tăng cao khó có thể thu hút được những người nông dân mới. Trồng cà phê trong điều kiện khắc nghiệt như hạn hán sẽ đòi hỏi phải đầu tư vốn đáng kể vào cơ sở hạ tầng như hệ thống thủy lợi. Việc thích ứng bằng cách đa dạng hóa cây trồng và thực hành nông lâm nghiệp kết hợp là rất quan trọng, nhưng đòi hỏi những nguồn lực mà nhiều nông dân sản xuất nhỏ lẻ không có.
Khi nguồn cung giảm và giá cả tăng, người tiêu dùng trên toàn thế giới sẽ cảm nhận được “vị đắng”. Các hoạt động bền vững có thể hỗ trợ sản xuất, nhưng với chi phí ngày càng tăng. Những gì từng là thú vui đơn giản có thể trở thành thú vui tốn kém, khi chất lượng cà phê giảm sút.
Tiến bộ công nghệ mang lại hy vọng. Việc lai tạo các giống cà phê mới có thể làm tăng năng suất, trong khi giảm cạnh tranh đất đai. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức. Những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ thường thiếu thông tin về hiệu suất lâu dài của các giống lai.
Chi phí cây giống cao và lợi nhuận chậm trễ ngăn cản đầu tư và việc mở rộng các vườn ươm giống lai để tiếp cận tất cả các vùng trồng cà phê, đặc biệt là các vùng xa xôi, sẽ đòi hỏi nhiều nguồn lực và thời gian.
Biến đổi khí hậu đang định hình lại ngành cà phê thế giới, với những hậu quả sâu rộng đối với cả người sản xuất và người tiêu dùng. Chính phủ, các tổ chức quốc tế và các công ty cà phê lớn cần phối hợp các nỗ lực để giúp người nông dân trồng cà phê thích nghi.
Điều này bao gồm đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giống cà phê có khả năng chống chịu với khí hậu, cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho người nông dân, thúc đẩy các hoạt động như xen canh dưới bóng cây và cải thiện cơ sở hạ tầng để quản lý tài nguyên nước bền vững hơn.
Người tiêu dùng cũng có thể đóng một vai trò. Việc ủng hộ các thương hiệu cà phê bền vững và vận động cho các chính sách khí hậu mạnh mẽ hơn là những bước nhỏ nhưng quan trọng.
Ngay cả những người không uống cà phê cũng có thể giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách gây áp lực buộc chính phủ phải áp dụng các chính sách chống biến đổi khí hậu mạnh mẽ hơn, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm nhựa dùng một lần và mua các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.