Trước đó, VN-Index đã có lúc giảm tới gần 20 điểm và HNX-Index giảm hơn 11 điểm tại 10 giờ 30 phút sáng 18/4. VIC và VHM vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường chung khi lần lượt lấy đi hơn 1,7 điểm và 1 điểm của chỉ số. Ngược lại, GAS và GVR đang là trụ đỡ giúp thị trường không giảm sâu thêm khi đều góp hơn 1 điểm.
Nhóm bất động sản nhà ở lẫn khu công nghiệp tiếp tục chìm trong sắc đỏ khi chưa có thông tin tích cực ủng hộ nhóm này trong thời gian qua. Nhóm ngành thép cũng giao dịch trong xu hướng chung của thị trường khi các mã thuộc nhóm này như HPG, HSG, NKG, POM hay TLH… đều ghi nhận diễn biến kém lạc quan.
Ngược lại, nhóm dệt may khởi sắc khi số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu dệt may có mức tăng so với cùng kỳ trong quý 1/2022, cao nhất kể từ năm 2012 đến nay. Cụ thể, TCM và GIL đều tăng gần 1%, VGT và TNG tăng lần lượt gần 2%, STK tăng gần 3%...
Chốt phiên sáng 18/4, VN-Index bốc hơi hơn gần 23 điểm, xuống còn 1.435,62 điểm; HNX-Index giảm gần 11 điểm, xuống còn 405,72 điểm. Toàn sàn có khoảng 700 mã giảm điểm và hơn 700 mã đứng giá, còn lại khoảng 200 mã tăng giá.
Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 573 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị giao dịch 16.644 tỷ đồng.
Theo nhận định các chuyên gia tài chính chứng khoán, thị trường đang đến giai đoạn "đánh du kích", chủ yếu tập trung "đi săn" cổ phiếu dưới giá trị. Trong thời gian này, vùng hỗ trợ tương đối mạnh cho VN-Index sẽ ở quanh mức 1.440-1.450 điểm và VN30 là 1.490-1.495 điểm.
Có thể thấy, một số cổ phiếu có tính dẫn dắt thị trường như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán… đều sụt giảm mạnh. Thanh khoản thị trường tuần qua giảm sút khi giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn giảm mạnh 20,8% so với tuần trước đó, đạt mức 25.058 tỷ đồng/phiên. Tín hiệu tích cực là khối ngoại tuần này đã đảo vị thế từ bán ròng 284 tỷ đồng sang mua ròng 795 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Bên cạnh đó, cũng đã có sự phân hóa khá rõ ràng khi thị trường giảm điểm nhưng lại có những ngành có sự tăng giá ấn tượng như ngành bán lẻ, dệt may, thủy sản, phân bón, cao su, bảo hiểm và cảng biển.
Lý giải vấn đề trên, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment cho rằng, diễn biến của VN-Index sụt giảm tuần qua chủ yếu do thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là Mỹ khi đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, đồng đô la tăng vọt đã làm áp lực lớn lên thị trường tài chính. Song song đó, giá cả hàng hóa tăng cao cũng khiến các Ngân hàng Trung ương toàn cầu điều chỉnh chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, dẫn đến hạn chế dòng chảy vào thị trường.
Bên cạnh đó, các kênh an toàn như tiết kiệm, bảo hiểm, trái phiếu, vàng nhận được dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư. Số liệu thống kê mới đây cho thấy, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng thương mại gia tăng những tháng vừa qua khi chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới tăng nhanh, thanh khoản trên thị trường chứng khoán giảm. Đặc biệt, những nhà đầu tư cá nhân vốn là bệ đỡ tốt nhất cho thị trường cũng đã có nhiều phiên bán ròng.
Ông Phan Dũng Khánh khuyến cáo, trong ngắn hạn, dòng tiền khó mà thay đổi được; tuy nhiên vẫn sẽ có những phiên hồi phục nhưng là cơ hội cho nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục hoặc lướt sóng nếu có kỹ năng tốt hơn. Theo đó, nhà đầu tư muốn lướt sóng cần phải quan sát kỹ sự dịch chuyển của dòng tiền ngắn hạn và gần đây các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ lạm phát có ưu thế.
Về điểm số, dự báo về 1.400 điểm lúc này là hơi bất ngờ và là sự thất vọng của phần lớn thị trường khi mới đầu năm, rất nhiều dự báo thị trường sẽ lên 1.800-2.000, hay tệ lắm cũng được 1.600. Vì thế, ông Khánh khuyến nghị nhà đầu tư cần đánh giá dòng tiền cũng như các ngành nghề được hưởng lợi hiện nay và sắp tới. Thực tế, dòng tiền không còn dồi dào như trước, tâm lý cẩn trọng bao trùm và các kênh an toàn bắt đầu được chú ý trở lại thì việc mua bán theo Index không thật sự hiệu quả.