Tái đàn nhanh sau dịch bệnh để bình ổn thị trường thịt lợn

Dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng từ tháng 6/2019 - 3/2020, khiến địa phương này thiệt hại khoảng 20% đàn lợn. Tình trạng này đã khiến cho nguồn cung thiếu hụt, giá thịt lợn tăng cao trên thị trường.

Để nhanh chóng ổn định sản xuất, cung ứng đủ lượng lợn thịt, bình ổn giá trên thị trường, tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng tổ chức tăng đàn, tái đàn giai đoạn tới năm 2022, đến nay giá thịt lợn hơi trên địa bàn đã bắt đầu giảm so với thời gian dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Cụ thể tại Kế hoạch số 1035/KH- SNN ngày 16/7/2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2020, đàn lợn trên địa bàn tỉnh đạt 416.465 con, tăng 10% so với quý II năm 2020; đến cuối năm 2021 đạt 433.000 con và tới 2022 đạt 450.000 con, đàn lợn nái đạt 54.000 con, đạt mức tổng đàn lợn của tỉnh khi chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Các giải pháp tập trung được đưa ra là khuyến khích các cơ sở chăn nuôi tăng cường nhập giống gốc bố mẹ để chủ động sản xuất con giống tại chỗ; tập trung tổ chức sản xuất chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các vùng chăn nuôi như các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên tập trung chăn nuôi lợn sinh sản do có các trang trại lợn nái sinh sản ổn định trong thời gian qua.

Các địa phương như Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc tập trung phát triển các trang trại lợn thịt dưới hình thức ký hợp đồng nuôi gia công với các hộ…

Tỉnh Lâm Đồng cũng đã triển khai các chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi như cơ cấu thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay vốn để khôi phục sản xuất đối với các hộ bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi vừa qua; thực hiện hỗ trợ khi lợn bị tiêu hủy do thiên tai, dịch bệnh theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chính sách hỗ trợ di dời cho các cơ sở chăn nuôi lợn thuộc diện phải di dời khi thực hiện di dời vào các khu vực được phép chăn nuôi theo quy định…

Trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, toàn tỉnh Lâm Đồng đã phải tiêu hủy trên 70.000 con lợn, chiếm 20% tổng đàn với trọng lượng tiêu hủy lên tới 4.538 tấn lợn hơi. Ngay sau khi công bố hết dịch vào ngày 5/5/2020, tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng tổ chức tăng đàn, tái đàn.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có tổng đàn 379.000 con với lượng thịt hơi 78.813 tấn. Trong số đó có 306 trang trại chăn nuôi tập trung với 184.000 con, tập trung tại các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và thành phố Bảo Lộc. Toàn tỉnh có 13 trang trại lợn nái sinh sản, với khoảng 45.600 con đang khai thác cả ở trang trại và trong các hộ chăn nuôi.

Theo khảo sát, hiện tại giá thịt lợn hơi tại các công ty cổ phần chăn nuôi đang được xuất ra với giá 80.500 đồng/kg. Giá thịt lợn đàn của các hộ dân chăn nuôi tại Đức Trọng, Lâm Hà… đang được xuất chuồng với giá từ 78.000 đồng - 82.000 đồng/kg tùy chất lượng. Mức giá này được cho là giảm đáng kể so với thời gian bùng phát dịch tả lợn châu Phi, khi thời điểm cao nhất lên tới gần 100.000 đồng/kg lợn hơi.

Tuy nhiên, giá thịt lợn hơi thay đổi cũng chưa tác động đáng kể tới giá thịt đang bày bán tới tay người tiêu dùng. Tại các chợ trên địa bàn thành phố Đà Lạt, giá thịt lợn bán lẻ đang ở mức 180.000 đồng/kg sườn non, 160.000 đồng/kg thịt ba rọi. Thịt nạc mông có giá 155.000 đồng/kg, thịt đùi 150.000 đồng/kg… hầu như không giảm so với 1 tháng trước đây.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Cần gần 229 tỷ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Cần gần 229 tỷ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về dự trù kinh phí hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN