Đề xuất kéo dài ưu đãi thuế ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất ô tô trong nước, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ tiếp tục áp dụng Chương trình ưu đãi thuế sau năm 2022.

Chú thích ảnh
Chương trình ưu đãi thuế những năm qua đã hỗ trợ cho thị trường ô tô tăng trưởng ổn định. Ảnh: TC Motor.

Trường hợp không được gia hạn, nhiều hãng xe sản xuất, lắp ráp xe trong nước sẽ phải đội thêm nhiều chi phí cho khâu linh kiện, phụ tùng ô tô, đặc biệt tỷ lệ nội địa hóa của nhiều đơn vị vẫn chưa có, từ đó, giá bán của nhiều mẫu xe sẽ phải điều chỉnh.

Trước đó, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Viêt Nam (VAMA) đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục kéo dài Chương trình ưu đãi thuế giai đoạn sau năm 2022; đồng thời, điều chỉnh một số quy định liên quan đến điều kiện khí thải, kỳ xét ưu đãi và yêu cầu về sản lượng để được tham gia chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Theo đó, các doanh nghiệp phù hợp với các điều kiện nằm trong Chương trình ưu đãi sẽ được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu mà trong nước chưa sản xuất được.

Trong bối cảnh mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với mặt hàng ô tô giảm xuống 0% từ ngày 1/1/2018, nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, Chính phủ đã bổ sung Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ô tô, thực hiện từ ngày 16/11/2017 đến 31/12/2022. Theo Bộ Công Thương, việc triển khai Chương trình ưu đãi thuế những năm qua đã hỗ trợ cho thị trường ô tô tăng trưởng ổn định, duy trì được sản xuất với sức cạnh tranh về giá đối với các xe ô tô nhập khẩu; đồng thời, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.  

Theo Bộ Tài chính, Chương trình trên lần đầu được áp dụng ở Việt Nam, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đưa ra. Sau khi chương trình được ban hành, một số doanh nghiệp đã tiếp tục sản xuất, lắp ráp một số dòng xe mà trước đó đã dừng sản xuất tại Việt Nam (các liên doanh chỉ nhập khẩu, phân phối từ các nhà máy trong khu vực). Hiện nay, một số doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư thêm các dây chuyền sản xuất mới tại Việt Nam và dự kiến chuyển một số hoạt động từ các nước trong khu vực về Việt Nam nếu như Chương trình ưu đãi thuế được áp dụng sau năm 2022. 

Trước khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, VAMA và một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô kiến nghị xoá bỏ điều kiện về sản lượng tối thiểu để tham gia chương trình hoặc điều chỉnh giảm mức sản lượng phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bộ Tài chính thấy rằng, việc yêu cầu đáp ứng điều kiện về sản lượng là cần thiết để đảm bảo các doanh nghiệp tham gia Chương trình ưu đãi phải đầu tư và đảm bảo quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, lắp ráp xe. 

Minh Phương/Báo Tin tức
Công nghiệp hỗ trợ ô tô 'mắc kẹt' với các điểm nghẽn
Công nghiệp hỗ trợ ô tô 'mắc kẹt' với các điểm nghẽn

Một chiếc nắp bình xăng nhỏ bé cũng phải nhập khẩu. Trong khi đó, để hoàn thiện một chiếc ô tô cần tới hàng chục nghìn linh kiện. Cho dù đã có hàng loạt cơ chế chính sách được đưa ra để tháo gỡ, nhưng thực tế ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô vẫn tiếp tục “giấc mơ” nội địa hóa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN