Cá ngừ Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh ở thị trường Nhật vì bị áp thuế cao

Ngày 13/2, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Hiệp hội vừa gửi văn bản đề kiến nghị Bộ Công Thương rà soát lại mức thuế nhập khẩu cá ngừ Việt Nam vào Nhật Bản, nhằm đưa mức thuế nhập khẩu các sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam được về 0% như Thái Lan và Philippines.

Theo VASEP, Nhật Bản là một trong 8 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2013 trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản liên tục giảm.


Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản đang bị áp thuế cao hơn nhiều so với các nước xuất khẩu cá ngừ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan và Philippines, nên không thể cạnh tranh được với các nước này. 

Vận chuyển cá ngừ đại dương từ tàu cá lên bờ. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Cụ thể, theo dữ liệu từ Hải quan Nhật Bản và các đối tác tại Nhật Bản thì hiện nay, đối với mặt hàng cá ngừ vằn đóng hộp (mã 1604.14.010) xuất khẩu sang Nhật Bản kể từ tháng 4/2009, Thái Lan đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 3,2%, tiếp đó giảm xuống còn 1,1% kể từ tháng 4/2011 theo Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản – Thái Lan (JTEPA) và xuống 0% từ tháng 4/2012.Còn Việt Nam lại đang bị áp mức thuế 6,4% dù Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA) chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2009. Với mức thuế suất này, cá ngừ đóng hộp của Việt Nam không thể cạnh tranh được với Thái Lan.


Tương tự, đối với mặt hàng cá ngừ vây vàng đóng hộp (mã 1604.14.092) và thăn/philê cá ngừ hấp đông lạnh (mã 1604.14.099) xuất khẩu sang Nhật Bản, kể từ tháng 4/2009, Thái Lan đã được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 4,8%, tiếp đó giảm xuống còn 1,6% kể từ tháng 4/2011 và 0% từ tháng 4/2012 theo JTEPA. Còn Philipines cũng đang được hưởng mức thuế 4,8%, tiếp đó giảm xuống 2,4% từ tháng 4/2011, rồi 1,2% từ tháng 4/2012 và về 0% từ tháng 4/2013 theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). 


Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế cao hơn 40% so với các nước này tương đương 7,2% theo GSP, 9,6% theo VJEPA khi xuất sang thị trường Nhật. Thậm chí trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam không có lộ trình về 0% như hai nước trên.


Theo VASEP, ngành cá ngừ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong ngành thủy sản nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Sản phẩm cá ngừ không chỉ đóng góp kim ngạch xuất khẩu 450 - 550 triệu USD/năm trong mấy năm trở lại đây mà còn đặc biệt quan trọng khi gắn liền với đông đảo ngư dân và công cuộc khai thác xa bờ, giữ gìn biển đảo. 


Mặt khác, trong bối cảnh niềm hy vọng vào TPP đã thay đổi, VASEP và các doanh nghiệp cá ngừ hy vọng Bộ Công Thương xem xét ưu tiên đưa vấn đề này ra để đàm phán lại với Nhật Bản, nhằm giải quyết khó khăn kịp thời cho ngành, tạo môi trường thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.


H.Chung (TTXVN)
Làm rõ mô hình thí điểm khai thác cá ngừ đại dương tại Bình Định
Làm rõ mô hình thí điểm khai thác cá ngừ đại dương tại Bình Định

Ngày 13/11, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định với phóng viên TTXVN rằng: Thông tin trên một số phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến mô hình thí điểm khai thác, thu mua, xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật Bản trong thời gian gần đây là chưa phản ánh đúng thực tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN