Sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), việc tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho ngư dân, qua đó giúp ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường dài ngày kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, cá ngừ là một trong số rất ít loài cá có giá trị kinh tế cao, nhưng sản lượng đánh bắt được chưa tương xứng với tiềm năng. Điển hình như cá ngừ vây vàng, mắt to mới chỉ đánh bắt được khoảng 50% khả năng cho phép khai thác, với cá ngừ vằn là 28%.

 

Chế biến sản phẩm từ cá ngừ. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN


Thời gian gần đây, nghề khai thác cá ngừ gặp thêm khó khăn khi giá cá liên tục giảm, tổn thất sau thu hoạch cao. Nếu như từ năm 2011 trở về trước, cá ngừ câu vàng có giá 200.000 đồng/kg, nhưng từ năm 2012 đến nay chỉ còn 120.000 đồng/kg. Trong khi đó, tỷ lệ cá ngừ tổn thất sau thu hoạch lại rất cao, từ 30 - 40% đối với nghề câu vàng và từ 60 - 70% với nghề câu tay.


Theo nhiều ngư dân, sản lượng và chất lượng cá ngừ đều chưa cao là do tàu nhỏ, công suất thấp, thiếu trang thiết bị, công nghệ bảo quản lạc hậu; phương thức mua xô, ép cân, ép giá gây bất lợi cho ngư dân đã không khuyến khích cho việc nâng cao chất lượng cá ngừ sau khi khai thác.


Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị sẽ giúp mọi thành phần tham gia đều được hưởng lợi, nhất là ngư dân. Muốn vậy, cần thực thi đồng bộ nhiều giải pháp, từ chính sách hỗ trợ đóng tàu mới đến cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ bảo quản... Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề xuất, để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho ngư dân, cần sớm hiện đại hóa đội câu cá ngừ đại dương, đồng thời nâng cấp cơ sở hậu cần nghề cá, phát triển mô hình hậu cần nghề cá trên biển và đào tạo nguồn nhân lực đi biển.


Đại diện Công ty Yanmar của Nhật Bản chia sẻ, các địa phương cần chọn lựa loại tàu tiết kiệm chi phí, chuyên dụng với hiệu quả đánh bắt cao và có khả năng bảo quản tốt nhất. Trước hết, cần chuyển đổi trực tiếp từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ composite hoặc vỏ thép. Đối tác của Công ty tại Việt Nam sẽ đầu tư thí điểm tàu vỏ composite khai thác cá ngừ một số tỉnh theo mô hình công ty đánh cá cổ phần của Nhật Bản. Theo đó, ngư dân được mua quyền chọn cổ phần đến 100% giá trị con tàu. Phía Công ty Yanmar quản lý chất lượng cá ngừ và bao tiêu xuất khẩu sản phẩm.


Đồng quan điểm trên, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định cho biết, để bảo đảm sản lượng, chất lượng cá ngừ xuất khẩu, các địa phương, đối tác cần hỗ trợ ngư dân sản xuất thử nghiệm thiết bị đánh bắt theo công nghệ của Nhật Bản với giá thành thấp, cải tạo hầm bảo quản, đào tạo kỹ thuật khai thác cá ngừ cho lao động đi biển.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định: Mục tiêu cuối cùng của tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị là nâng cao đời sống cho ngư dân, qua đó khuyến khích ngư dân bám biển để hiện thực hóa chủ quyền và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Vì vậy, phải ưu tiên hỗ trợ ngư dân sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị, như nâng cao chất lượng cá ngừ sau đánh bắt, tổ chức liên kết giữa ngư dân với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm, phổ biến kỹ thuật, công nghệ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho ngư dân.


Nguyên Lý

Khai thác cá ngừ đại dương theo chuỗi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dần hoàn thiện dự thảo đề án Tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN