Bổ sung thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ Quốc gia không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào danh mục hàng dự trữ Quốc gia (DTQG).

Chú thích ảnh
Công tác kiểm tra thuốc, vật tư y tế tại Bệnh viện Đa Khoa Lâm Đồng. Ảnh: TTXVN.

Theo ông Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Chính sách - pháp chế (Tổng cục Dự trữ Nhà nước), việc ban hành Nghị quyết không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN).

“NSNN chi cho mua hàng DTQG thực hiện theo Luật NSNN và được bố trí trong dự toán NSNN hàng năm do Quốc hội thông qua. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ dựa trên đánh giá, dự báo về thiên tai, thảm họa, dịch bệnh…và khả năng cân đối NSNN để điều hành kế hoạch DTQG cho phù hợp với từng thời kỳ, trong đó sẽ cân nhắc ưu tiên mua mặt hàng nào đưa vào dự trữ. Do đó, việc ban hành Nghị quyết của UBTVQH bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào danh mục hàng DTQG không ảnh hưởng đến cân đối NSNN”, ông Nguyễn Văn Bình nói.

Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, mục tiêu chiến lược về mức DTQG theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị đến năm 2015 đạt 0,8%  - 1% GDP; đến năm 2035 đạt 1,5% GDP, đến năm 2045 đạt 2% GDP. Trong khi đó, mức DTQG của Việt Nam hiện còn thấp so với mục tiêu chiến lược.

“Dựa theo tiêu chí và danh mục hàng DTQG, việc bổ sung nhóm hàng này hoàn toàn phù hợp. Tại Điều 3, Luật DTQG quy định, mục tiêu DTQG là nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng an ninh. Điều 27 của Luật DTQG cũng quy định, các mặt hàng thuộc danh mục hàng DTQG phải đáp ứng mục tiêu trên và đáp ứng một trong các tiêu chí như: là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong các tình huống đột xuất cấp bách; mặt hàng đặc chủng, không thể thay thế; vật tư, thiết bị, hàng hóa đảm bảo quốc phòng, an ninh mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại”, ông Nguyễn Văn Bình nói.

Điều 61 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: Nhà nước thực hiện việc DTQG về kinh phí, thuốc, hóa chất, thiết bị để phòng chống dịch. Việc xây dựng, tổ chức, quản lý, điều hành và sử dụng DTQG để phòng chống dịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về DTQG.

Trước đó trình bày tại phiên họp của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, nguồn vật tư, thiết bị y tế dự trữ thường xuyên tại các cơ sở y tế không đủ đáp ứng.

Do vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cũng như chủ động đáp ứng yêu cầu khẩn cấp về y tế trong các tình huống đột xuất do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn và các tình huống quốc phòng, an ninh xảy ra tương lai, trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, ban hành Nghị quyết về bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng DTQG quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật DTQG.

Minh Phương/Báo Tin tức
Bảo đảm mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 công khai, minh bạch
Bảo đảm mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 công khai, minh bạch

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 3892/VPCP-V.I về việc báo cáo tình hình mua sắm hệ thống Real-time PCR.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN