Wenger đối mặt với kỳ sát hạch lớn nhất tại Arsenal

Wenger đối mặt với kỳ sát hạch lớn nhất trong sự nghiệp cầm quân tại Arsenal. Chi tiêu không hiệu quả, CĐV phản đối vì giữ quá nhiều quyền hành và quan trọng là để mất các cầu thủ giỏi vào tay đối thủ - điều tối kị trong bóng đá.


1. Đầu tiên là chuyện chi tiêu. Wenger áp đặt một thứ chính sách kham khổ mà không ai thay đổi được. Ông nói: “Chúng tôi luôn quản lý CLB trong khả năng nguồn lực của mình, trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ và sử dụng phong cách mà chúng tôi cho là thích hợp” và đó cũng là cách để bao biện cho việc mua các cầu thủ tầm trung về với mong muốn phát hiện ra những tài năng thật đặc biệt chứ không phải là trả lương thật cao để giữ chân các cầu thủ vàng của mình. Dù được đầu tư nhiều tiền cho một mùa giải, cách làm của Wenger mỗi mùa chuyển nhượng là không thay đổi: Ông bán đi cầu thủ giỏi nhất, mua về 2 - 3 người ở mức trung bình khá.


Trong suốt 6 - 7 năm qua, Wenger có lẽ chẳng phải lo lắng gì nhiều. Đội bóng thi đấu tốt trong môi trường cạnh tranh và họ có khả năng phát triển thực sự tốt. Đôi khi, trong hơn 6 năm không danh hiệu vừa qua, Arsenal có những dị nghị, kêu ca nhưng việc thắng liên tiếp từ 6 - 7 trận đấu liên tiếp khiến họ tiếp tục trụ vững.


Mùa hè này, Wenger có tới ba bản hợp đồng lớn với những cầu thủ đã ở gần cuối cái tuổi 20, nghĩa là lớn tuổi hơn những bản hợp đồng thông thường. Chuyện tưởng chẳng có gì lùm xùm vì đây chỉ là những chuyển nhượng bình thường trong mùa giải. Nhưng qua nửa mùa bóng có thể nhận thấy hai trong số ấy là những sai lầm. Santi Cazorla là một trong những cầu thủ hạng sao, dù vậy anh cũng chẳng giúp được đội nhà bị West Brom nhấn chìm. Lukas Podolski - một cầu thủ thông minh, chạy chỗ tốt lại chưa chứng tỏ được điều ấy.


Và cầu thủ cuối cùng là Olivier Giroud cũng chỉ chơi ở mức tạm được. Tổng giá trị của ba bản hợp đồng kể trên là 35 triệu bảng Anh trong tổng số 70 triệu bảng mà các ông chủ sân Emirates đưa ra cho những chuyển nhượng mùa giải này.


Bán đi những cầu thủ đang ở đỉnh cao phong độ như Van Persie khiến chiếc ghế HLV của ông Wenger ở Arsenal lung lay.


Rõ ràng cần nhìn nhận lại cách dùng tiền của Arsenal. Họ có nhiều tiền nhưng vẫn không thể giữ được các cầu thủ giỏi về ở lại với mình. Trong hơn sáu năm không danh hiệu vừa qua, không thể cho rằng Arsenal đã bỏ ra ít tiền để chiêu mộ cầu thủ, với tổng cộng 160 triệu bảng đổ vào thị trường chuyển nhượng.


Trong khi đó, dù mua hơn Arsenal rất nhiều cầu thủ dạng “bom tấn”, tổng chi phí mà M.U bỏ ra cũng “chỉ” xấp xỉ 210 triệu bảng trong cùng thời gian. Arsenal đã chọn cách xé lẻ số tiền họ có ra trong nhiều năm đã qua, chỉ vì luôn tin tưởng rằng con mắt nhìn người của ông Wenger lúc nào cũng sẽ tìm ra những viên ngọc thô giá rẻ tương tự Henry, Vieira, Fabregas…


Sự bất hợp lý ấy đã dẫn đến việc dù thực tế là có trong tay không ít tiền để chiêu mộ cầu thủ, Arsenal vẫn vứt ra ngoài cửa sổ hàng mớ tiền trong những năm qua, để đội hình suy yếu nhanh chóng, trong khi chuyện họ mua cầu thủ với giá rẻ lại trở thành một “biểu tượng” cho tư duy phát triển bền vững.


2. Cuộc khủng hoảng của Wenger còn xuất phát từ đội CĐV trung tín của Arsenal là Arsenal's Supporters Trust (AST). Hội CĐV này cho rằng quyền hành trong tay Wenger là quá lớn. Một mình Wenger có tiếng nói quyết định tất cả mục tiêu tuyển mộ, lương bổng, phương pháp huấn luyện và cầm quân ở các trận đấu. Như vậy thì quá nhiều đối với một con người.


Rõ ràng, Wenger là người có năng lực nhưng với quá nhiều trách nhiệm như vậy, liệu ông có lựa chọn sáng suốt khi làm việc với các cầu thủ. Nếu Wenger còn trong tay những cầu thủ là hình ảnh đại diện cho đội bóng như Tony Adams hay Patrick Vieira thì mọi chuyện ổn cả bởi họ là những cầu thủ giúp HLV có được sự tôn trọng, sức mạnh trong lòng các đồng đội. Nhưng thực tế trong đội hình Arsenal hiện nay lại chưa có được một người dẫn đầu như thế.


Các thành viên của hội AST còn cho rằng, từ năm 1996 trở lại đây, không có một HLV phó nào mới bên ngoài CLB được tuyển mộ, điều này càng làm tăng thêm sự chuyên quyền của Wenger khi các HLV phó là không có tiếng nói.


Số tiền mà Arsenal có được là từ tiền vé đắt nhất thế giới, bản quyền truyền hình và các giải thưởng, các hợp đồng thương mại khác. Đáng chú ý là bản hợp đồng tài trợ áo thi đấu từ hãng hàng không Emirates trị giá tới 150 triệu bảng Anh. Việc thắt lưng buộc bụng, không tăng lương cho cầu thủ hạng sao bị các CĐV xem là quyết sách bóng đá sai lầm cũng như quyết sách sai lầm về tài chính vậy. Họ cho rằng bản thân người hâm mộ cũng nên được quyền có tiếng nói trong CLB.


3. Điểm yếu của Arsenal là để chảy máu những tài năng. Chưa bàn đến khía cạnh lãi hay lỗ trên TTCN (về mặt này, Arsenal rõ ràng đã thu lợi rất lớn vì họ thường xuyên bán những cầu thủ tốt ở đỉnh cao phong độ và mua về những người kém chất lượng hơn với giá tất nhiên là rẻ hơn rất nhiều), mà chỉ đặt ra câu hỏi là liệu Arsenal đã sử dụng số tiền chi ra khổng lồ ấy một cách hợp lý hay chưa?


Và vấn đề cho phép cầu thủ đang ở đỉnh cao phong độ gia nhập đối thủ cạnh tranh trực tiếp là một thất bại cơ bản của quản lý bóng đá. Nhưng Arsenal đã thực hiện nó trên sáu lần trong bốn năm qua. Hãy nhìn qua các trường hợp lần lượt của Van Persie, Song, Fabregas, Clichy, Nasri và Toure. Trong khi đó Theo Walcott cũng đang muốn rời bỏ sân Emirates. Hợp đồng mới của anh sẽ là sự lựa chọn giữa M.U, M.C, Chelsea và Liverpool vào tháng một này, tất cả các CLB này đều trải thảm đỏ cho cầu thủ tài năng này. Nếu điều đó xảy ra, Arsenal sẽ càng gặp khó khăn trong cuộc cạnh tranh giữ vị trí một trong bốn đội bóng dẫn đầu mùa giải.


Trường hợp của Walcott thời gian gần đây lại dấy lên sự quan ngại về việc các cầu thủ cứ tài năng lại rời Arsenal ra đi. Công bằng mà nói, số tiền lương mà Walcott muốn hiện nay để có thể ký vào bản gia hạn hợp đồng là mức lương 75.000 bảng nhiều người sẽ cho là không xứng đáng. Theo Walcott không đóng vai trò quan trọng cho đội như Robin van Persie, Cesc Fabregas hay Samir Nasri, nhưng hiệu ứng của việc một cầu thủ hàng đầu rời bỏ đội bóng để lại ảnh hưởng rất lớn.


Rất nhiều đội bóng khác sẵn sàng trả đủ mức lương ấy để đưa Walcott về. Trên thực tế mong muốn của anh đã được HLV Arsene Wenger tạo điều kiện khi đồng ý cho anh ta chơi ở vị trí trung tâm. Mới đây nhất là lời hứa sẽ đáp ứng số lương mong muốn của Walcott nếu cầu thủ này chứng tỏ sự trung thành với CLB đã được Arsene Wenger đưa ra. Trong khi đó, nếu chuyển sang M.U hay Liverpool, anh sẽ phải chơi rộng ra bên phía cánh phải.


Như đã nói ở trên, Walcott không phải là không thể thay thế, nhưng Wenger cần anh ở lại để chứng minh cho việc mình không phải là một nhà độc tài, mình đang thay đổi để giữ chân các cầu thủ tài năng hoặc tiềm năng. Quyết định hiện nay đều phụ thuộc vào Walcott và chính anh đang góp phần khiến kỳ sát hạch của nhà cầm quân Arsene Wenger ngày một khó khăn.



Lê Sơn

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN