VĐV nhập tịch và chuyện màu cờ, sắc áo

Khi mới nghe đến trận tứ kết bóng bàn đơn nữ Olympic 2012 giữa Li Jiao và Li Xiaoxia, người ta chắc hẳn nghĩ về một trận “nội chiến” Trung Quốc. Nhưng không, Li Jiao, dù sinh ra ở Thanh Đảo, lại đại diện cho Hà Lan. Những người như Li Jiao đã chuyển sang một quốc tịch khác nhằm có điều kiện để tham gia các giải đấu lớn.


Dấu hỏi về màu cờ, sắc áo


Hiện tượng nhập tịch cho vận động viên như Li Jiao của Hà Lan, hiện không còn lạ lẫm trong làng thể thao thế giới. Xu hướng này ngày càng phát triển do sự mở rộng của toàn cầu hóa, cũng như chiến lược quốc gia của nhiều nước chú trọng lấy thể thao làm mũi nhọn thu hút sự chú ý của quốc tế, từ đó mang đến nhiều lợi ích về kinh tế, thương mại, cũng như chính trị. Đó không phải là những VĐV đã sinh ra và lớn lên tại quốc gia mình đang đại diện, không được họ huấn luyện trên con đường đến thi đấu chuyên nghiệp. Họ cũng không có quan hệ máu mủ với mảnh đất mới. Đơn giản: Họ là “lính đánh thuê”.


 

Miếng băng tay của Li Jiao giờ cũng mang màu cam Hà Lan. Ảnh: zimbio

 

Tiềm năng của VĐV là không giới hạn, nhưng số người có đủ điều kiện cạnh tranh suất tham dự các giải đấu uy tín, cũng như tiếp cận các cơ sở tập luyện đẳng cấp thì không nhiều. Ở các nước có quá nhiều VĐV cho một môn thế mạnh, như bóng bàn với Trung Quốc, hay bóng chuyền bãi biển với Brazil, không phải ai cũng có điều kiện tập luyện tốt, do nhu cầu quá lớn. Do đó, để hoàn thiện bản thân, nhiều VĐV phải tìm đến các quốc gia khác, nơi họ được cấp tiền để trau dồi kỹ năng, ít gặp thách thức nội bộ, để có thể thi đấu chính thức cho nước đó trên trường quốc tế.


Tiêu biểu nhất là các tay vợt bóng bàn và cầu lông gốc Trung Quốc. Nhiều người trong số họ không thể vươn lên ở cấp đội tuyển quốc gia vì đất nước có quá nhiều nhân tài, nên họ đã tìm đến phương Tây để đầu quân. Ở môn bóng bàn, tốp 40 nữ thế giới có Li Qian (Ba Lan), Liu Jia, Li Jiangbing (Áo), Li Xue (Pháp), Shen Yanfei (Tây Ban Nha). Các tay vợt cầu lông nữ hàng đầu phải kể đến Yao Jie (Hà Lan), Pi Hongyan (Pháp)
Tranh cãi đang nổ ra về tinh thần cống hiến cho “quê hương mới” của các VĐV này. Khi trở thành VĐV nhập tịch, họ có dành hoàn toàn tâm trí cho quốc gia đó, để có thể vươn tới tận cùng giới hạn của mình? Khi Leon Manzano giành Huy chương Vàng điền kinh cự ly 1.500 m tại Olympic 2012, anh đã cầm cả quốc kỳ Mỹ (đất nước anh đại diện) và Mexico (nơi “chôn rau cắt rốn”). Hình ảnh đó hẳn khiến không ít CĐV Mỹ chạnh lòng. Manzano chỉ là một trong số hơn 40 VĐV nhập tịch của Mỹ tại giải đấu này. Dù đạt được thành công, chắc chắn các VĐV không quên gốc gác của mình và khi đó, quốc kỳ được kéo lên lúc nhận giải mất dần ý nghĩa trong chính bản thân họ.


“Lười” đào tạo


Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) hiện đã có quy định một VĐV nhập quốc tịch phải đợi ít nhất 3 năm mới được tham dự Olympic.

Có cung ắt có cầu. Các quốc gia không có thế mạnh về một số môn thể thao nào đó, không hẳn có truyền thống nhưng lại có nhiều tiền và đôi khi là cơ sở vật chất tốt, luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay với những VĐV nhập tịch. Trong nhiều trường hợp, họ “phá rào” luật lao động của nước mình, vốn thường yêu cầu người nước ngoài phải sinh sống và làm việc trong nước một thời gian nhất định, để hợp thức hóa các VĐV này trước hạn. Đó là những đất nước “lười” đào tạo, muốn có tiếng vang qua con đường nhanh chóng và tốn ít công sức.


Nổi bật nhất là Qatar và Bahrain, hai đất nước bé nhỏ nhưng giàu có nhờ dầu mỏ. Từ những năm 1990, Qatar đã nhập khẩu các đô cử Bulgaria và một trong số họ, Angel Popov, đã giành Huy chương Bạc Olympic 2000. Trên thực tế, năm đó, Qatar gần như dùng tiền “mua” một đội tuyển cử tạ Bulgaria thứ hai. Bahrain thì đang thành công vang dội với môn điền kinh, dù trước nay họ chưa từng đào tạo ra VĐV tên tuổi nào. Nguyên do là họ liên tục mời về các vận động viên châu Phi, chủ yếu từ Ethiopia, Kenya hay Morocco. Huy chương Đồng cự ly 1.500 m nữ ở London 2012 cho Bahrain là Maryam Yusuf Jamal, vốn là người Ethiopia nhập tịch.


Thành công của “người ngoài” đem lại có thể khiến các quốc gia đó được quốc tế đánh giá cao, tạo lợi thế về hình ảnh trên trường quốc tế. Qatar, không được biết đến nhờ bóng đá, nhưng cũng đã nổi danh nhờ điền kinh, vừa được FIFA trao quyền tổ chức World Cup 2022. Triết lý có thành công bằng tiền mà không phải tốn công đào tạo trẻ là chiến lược phát triển vĩ mô ở không ít đất nước như thế.


Rõ ràng, đây không phải là một cách làm thể thao tích cực. Nó triệt tiêu ý chí vươn lên của các VĐV bản địa và khâu đào tạo trẻ bị lơ là. Sự thiếu bền vững này có khả năng sẽ làm thui chột các môn thể thao của một nước, một khi điều kiện kinh tế, chính sách khó khăn buộc các nước phải thắt chặt đầu tư cho thể thao.


Trần Anh

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN