Vẫn chuyện xuống cấp đạo đức cầu thủ

Trái bóng V-League 2013 chỉ vừa mới lăn được 3 vòng đấu, nhưng đã xuất hiện hành vi thiếu văn hóa của cầu thủ. Dường như những chủ thể của sân chơi này vẫn chưa theo kịp “tinh thần chuyên nghiệp”, khi mà bóng đá Việt Nam đã bước sang mùa giải chuyên nghiệp thứ 13.

 

 

Đồng đội can ngăn ý định hành hung trọng tài của Việt Cường.

Chiều 28/3 vừa qua, tại sân Chi Lăng (Đà Nẵng), một hình ảnh không đẹp mắt đã diễn ra: Hậu vệ Đoàn Việt Cường của XM Xuân Thành Sài Gòn có ý định hành hung trọng tài Nguyễn Văn Kiên sau khi cầu thủ này bị truất quyền thi đấu. Hành động lấy ngực đẩy trọng tài kèm theo những lời lẽ xúc phạm là rất đáng lên án đối với một cầu thủ từng nhiều lần khoác áo đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam như Việt Cường. Dù hành động đó xuất phát từ sự ức chế về quyết định của trọng tài, từ cơn giận dữ bộc phát, thì nó cũng một lần nữa cho thấy vấn đề về đạo đức của cầu thủ Việt Nam.


Trong buổi lễ tổng kết mùa giải 2012, tình trạng bạo lực sân cỏ, các hành vi phi thể thao và vấn đề đạo đức cầu thủ đã được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) nhắc tới như là một “điểm đen” cần sớm được xử lý quyết liệt. Sự ra đời của Ban tư vấn đạo đức (TVĐĐ) thuộc VPF, cũng không nằm ngoài mục đích cung cấp cho Ban tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp một công cụ hỗ trợ để giảm tải tình trạng xuống cấp đạo đức sân cỏ.


V-League 2012 được chính các nhà tổ chức giải mô tả là một mùa giải “bạo lực”: Các cầu thủ thi đấu quyết liệt quá mức, thậm chí có những động tác thô bạo, nên số thẻ phạt tăng cao. Vẫn còn hiện tượng cầu thủ có biểu hiện thiếu văn hóa, xâm phạm thân thể cầu thủ đối phương, phản ứng bằng lời nói xúc phạm trọng tài. Một trong những vụ việc điển hình là hành động “vái lạy và chửi bới” trọng tài của hậu vệ Nguyễn Quốc Long (Hà Nội T&T), gợi lại scandal nổi tiếng của tiền đạo Lê Công Vinh năm 2010 trên sân Cao Lãnh của Đồng Tháp. Công Vinh khi đó khoác áo Hà Nội T&T và anh đã bị treo giò 6 trận vì hành vi phi thể thao này. Trong khi đó, nếu như Quốc Long bị treo giò 3 trận và phải nộp phạt 10 triệu đồng, thì cũng với hành vi tương tự ở mùa giải trước, tiền vệ Hoàng Danh Ngọc (XM The Vissai Ninh Bình) bị cấm thi đấu 45 ngày và phải nộp phạt 20 triệu đồng.


Chưa đề cập đến chất lượng đội ngũ trọng tài Việt Nam, hay chuyện họ thiên vị đội này, đội kia, chỉ biết rằng VFF và VPF cần phải tiếp tục xử nghiêm đối với những hành vi phi thể thao ở các cầu thủ. Ngoài ra, các CLB cũng cần siết chặt kỷ luật nội bộ và giáo dục đạo đức cầu thủ bằng những quy định chặt chẽ về cách ứng xử ngay từ khi ký hợp đồng. Các CLB chuyên nghiệp hàng đầu châu Âu đều làm theo cách này từ rất lâu rồi.


Nhưng cái khó đối với bóng đá Việt là ngay cả các nhà lãnh đạo CLB nhiều khi cũng không thể kiềm chế bản thân, nên sẽ thật khó để giáo dục cầu thủ. Tại sân Chi Lăng cuối tuần qua, chính HLV Trần Tiến Đại của XMXT Sài Gòn đã vào hùa với Việt Cường, toan “nói chuyện phải quấy” với trọng tài Kiên. Cách đây hơn 1 tháng, các lãnh đạo của XMXT Sài Gòn (ông Đại khi đó vẫn ngồi ghế giám đốc điều hành) thậm chí còn vướng vào nghi án bán độ trong trận Siêu Cúp quốc gia, thua SHB Đà Nẵng 0-4.


Lúc này, sau án phạt đầu tiên của V-League 2013 liên quan đến hành phi phản ứng trọng tài, dành cho Trưởng đoàn bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Nguyễn Tấn Anh (đình chỉ làm nhiệm vụ 2 trận và nộp phạt 2 triệu đồng), người ta đang chờ xem vụ việc tại sân Chi Lăng sẽ được xử lý ra sao.

 

Song Long

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN