Uốn cây từ thuở còn non

U19 và U21 Việt Nam đã khuấy động không khí bóng đá trong thời gian gần đây, nhưng phía sau thành tích xuất sắc của bóng đá trẻ Việt Nam tại các giải trong và ngoài nước cũng có chuyện đáng bàn về vấn đề giáo dục đạo đức cho các cầu thủ trẻ.


Cú huých cho đào tạo trẻ


Những thành tích vừa qua của U19 và U21 Việt Nam là rất đáng tự hào. Đội U19 Việt Nam đã chơi bùng nổ tại giải vô địch Đông Nam Á 2013 và chỉ chịu thua chủ nhà Indonesia ở loạt sút luân lưu 11 m tại trận chung kết. Tiếp đó, các cầu thủ U19 Việt Nam còn gây sốc tại vòng loại giải vô địch châu Á 2014, khi đánh bại một đối thủ rất mạnh là Australia với tỷ số khó tin (5-1) để giành quyền vào vòng chung kết. Trong khi đó, đội U21 Việt Nam đã đăng quang tại giải bóng đá U21 quốc tế - Cúp Báo Thanh Niên 2013, sau khi vượt qua U21 Sydney FC của Australia.

U21 Việt Nam là nòng cốt của đội U22 chuẩn bị tham dự BIDC Cup 2013.


Có thể cảm nhận rõ sự hưng phấn mà các cầu thủ U19 và U21 đã truyền cho người hâm mộ Việt Nam trong thời gian gần đây. Thắng những đối thủ trong khu vực Đông Nam Á hay Hong Kong (Trung Quốc)… là không quá to tát, nhưng hạ gục các đội bóng tới từ nền bóng đá mạnh Australia, một cách thuyết phục, không phải là sự kiện lúc nào cũng xảy ra. Hy vọng vào tương lai của bóng đá Việt Nam lại được thổi bùng lên, bất chấp sự đầu tư cho bóng đá trẻ vẫn đang vừa thiếu, vừa yếu.


Thành công của U19 Việt Nam, với lực lượng nòng cốt là các học viên khóa 1 của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG, đã tạo nên một cú huých cho hệ thống đào tạo trẻ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Vụ việc mà báo giới mới mổ xẻ, liên quan đến chuyện Trung tâm đào tạo trẻ của VFF đã “nằm im” trong khoảng thời gian HAGL - Arsenal JMG tạo nên một lứa cầu thủ tài năng, ít nhất đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho lãnh đạo VFF và các CLB về sự quan tâm và cách thức đầu tư cho bóng đá trẻ. Những kế hoạch cho SEA Games hay Asiad trong tương lai của bóng đá Việt Nam sẽ kém hiệu quả, nếu công tác đào tạo trẻ không sớm được tiến hành đồng bộ và bài bản.


Ngay chính Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã không ngần ngại tuyên bố “sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm đào tạo và đầu tư của anh Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, người sáng lập ra HAGL - Arsenal JMG)”.


Tuy vậy, bê nguyên xi mô hình của HAGL - Arsenal JMG để áp dụng vào thực tế của nhiều CLB tại Việt Nam hiện nay lại là điều bất khả thi, bởi cách thức đầu tư như bầu Đức là rất tốn kém. Ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng giám đốc của Sông Lam Nghệ An (một lò đào tạo danh tiếng), luôn nói “chỉ mơ có điều kiện tài chính như bầu Đức” để làm bóng đá trẻ một cách triệt để.


Tài phải đi với đức


Nhưng có một điều mà những người làm bóng đá trẻ có thể học hỏi ngay từ HAGL - Arsenal JMG, không tốn phí và cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên một cầu thủ chuyên nghiệp, đó rèn ý thức kỷ luật và thái độ tôn trọng đối thủ ngay từ khi chập chững học bóng đá. Tại giải U19 Đông Nam Á vừa qua, bầu Đức đã từ chối để các cầu thủ của ông nhận tiền thưởng từ VFF, nhằm tránh cho các em không tự mãn sớm. Trong khi đó, HLV Guillaume Graechen của U19 Việt Nam thì chia sẻ, ông luôn hướng các cầu thủ tới lối đá fair-play, không chơi xấu ngay cả khi bị đối phương “chặt chém”. Chính lối chơi “vị nghệ thuật” này đã làm nức lòng người hâm mộ, cho dù U19 Việt Nam không thể giành chức vô địch giải đấu.


Cái cách mà HAGL - Arsenal JMG đào tạo toàn diện cho các cầu thủ, từ kỹ năng chơi bóng cho tới vấn đề đạo đức, được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao. Nó lại càng được nhắc đến như một hình mẫu, sau khi đội U21 Việt Nam đã để lại những ấn tượng không đẹp tại giải bóng đá quốc tế U21 Báo Thanh Niên mới đây. Hình ảnh hai tuyển thủ trẻ “xé rào” đi bar và pha vào bóng ác ý của Đình Bảo đối với một cầu thủ đối phương đã làm xấu đi chức vô địch của U21 Việt Nam, đồng thời phô bày những góc khuất trong đời sống cầu thủ vốn vô cùng phức tạp.


Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam từng có biết bao bài học về những cầu thủ bị sa ngã khi đã thành danh, vì không thể cưỡng lại sức cám dỗ của những thói ăn chơi, cờ bạc, cá độ… Tất cả đều xuất phát từ nhận thức của mỗi cầu thủ. Đây thực sự là điều còn chưa được quan tâm đúng mực trong đào tạo trẻ ở các CLB.


Việc Nguyễn Văn Công và Đỗ Văn Thuận bị gạt khỏi danh sách U22 Việt Nam tham dự BIDC Cup 2013 (đầu tháng 11, tại Campuchia), sau lỗi vi phạm đáng lên án trong màu áo đội U21, chính là một bài học đắt giá cho không chỉ riêng hai cầu thủ này, mà cả với những cầu thủ trẻ đang hướng mình theo con đường bóng đá chuyên nghiệp. Đặc biệt, đây còn kinh nghiệm để những người làm bóng đá trẻ áp dụng, nhằm uốn nắn những tài năng ngay từ thuở ban đầu.

Những gì các cầu thủ trẻ đạt được mới chỉ là bước đầu. Để trưởng thành, các cầu thủ trẻ cần phải được chăm bẵm hơn nữa. Và chính các cầu thủ cũng phải không ngừng rèn luyện về mọi mặt để tiến bộ”. HLV đội U19 Việt Nam, Guillaume Graechen.


Bài và ảnh: Bảo An

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN