Tò mò bóng cửa, bóng gỗ

Trong xu thế hội nhập chung của thế giới, gần đây nhiều môn thể thao mới, lạ đã được du nhập vào Việt Nam. Bóng cửa và bóng gỗ nằm trong số đó. Với phong trào đang phát triển rộng khắp, bóng gỗ, bóng cửa đã cho thấy: Thể thao không chỉ là thi đấu đỉnh cao, mà còn nhằm giúp “Toàn dân rèn luyện sức khỏe, theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

 

Bài 1: Tuổi già bóng cửa miền quê

 

Nhiều năm trở lại đây, một số địa phương ngoại thành Hà Nội rất hào hứng với một môn thể thao, nửa giống đánh golf, nửa lại na ná như môn bi a. Chỉ với một chiếc gậy, cùng vài trái bóng nhựa, thế thôi cũng đủ khiến người chơi mà hầu hết đã có tuổi, mê mẩn.

Mỗi lần bóng đi qua cửa được tính 1 điểm.


Chúng tôi tìm đến làng Xuân Bách, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, một địa phương đã duy trì phong trào đánh bóng cửa từ nhiều năm nay. Tuy không phải là một trò chơi dân gian hay môn thể thao truyền thống, nhưng bóng cửa lại được người dân ở đây tham gia chơi một cách hào hứng. Tận mắt chứng kiến, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi tinh thần thể dục thể thao hiếm có của các cụ già nơi đây, đặc biệt là tình cảm dành cho môn bóng cửa. 3 giờ chiều, nắng vẫn còn chiếu gắt khắp các cánh đồng làng. Trên một sân bê tông rộng chừng 300 m2, các cụ già đội nón, đeo khẩu trang và găng tay, sử dụng gậy (vồ) bằng gỗ tự “chế”, cố gắng đánh những quả bóng bằng nhựa đặc qua 3 khung thành cao và rộng chừng 20 cm ở ba góc sân. Một trận đấu bóng cửa gồm hai đội tham gia, mỗi đội 5 người, mỗi người sở hữu một quả bóng có đánh số chẵn - lẻ và được phân biệt bằng hai màu trắng - đỏ.


Trong thời gian chơi 1 trận bóng cửa (30 phút), các thành viên của mỗi đội sẽ dùng trái bóng của mình để làm cầu nối, đánh về phía cột cờ ở giữa sân, đồng thời phá bóng của đối phương ra ngoài sân, buộc đối thủ phải chơi lại từ đầu. Mỗi một lần bóng qua cửa được tính 1 điểm, bóng về đến cột cờ ở giữa sân được tính 5 điểm, chung cuộc, đội nào nhiều điểm hơn sẽ giành chiến thắng.


Giới thiệu với chúng tôi về luật chơi của môn bóng cửa, được chép tay trong một cuốn sổ nhỏ, bác Phùng Văn Nhiên, đội trưởng đội bóng cửa làng Xuân Bách, cho biết: “Môn thể thao này xuất thân từ tầng lớp quý tộc ở Anh, đã du nhập về Việt Nam từ hơn chục năm nay, người làng đã rất quen thuộc với môn bóng cửa này rồi. Thời gian đầu thì chơi bằng bóng gỗ, lâu dần chuyển sang bóng nhựa”.


Chỉ sang khu đất bên cạnh, nơi bây giờ là sân bóng đá, bóng chuyền dành cho thanh niên trong làng, bác Nhiên giải thích thêm: “Trước đây, chúng tôi chơi bóng bằng gỗ trên sân đất. Nhưng từ khi có sân bê tông, chúng tôi dùng bóng nhựa để phù hợp với mặt sân. Mặt sân chỉ cần rải một lớp cát mỏng để tăng độ bám là tha hồ chơi”.


Có lẽ, vì đã quá thân thuộc, gần gũi, nên dù ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, ngày nào cũng như ngày nào, bất kể trời nắng hay mưa, cứ từ 15 - 18 giờ là cụ bà Trần Thị Môn (83 tuổi) xách vồ ra sân để say mê cùng trái bóng. “Tôi chơi bóng cửa 15 năm nay rồi, ngày nào mà không được chơi thì nhớ lắm, chân tay bứt rứt không yên. Hôm nào cũng chỉ mong nhanh đến chiều để được ra sân chơi bóng, dù bây giờ cũng không chơi được lâu. Ra đây không chỉ nâng cao tinh thần thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe mà quan trọng hơn là được trò chuyện với các cụ trong làng. Có tiếng cười, tiếng nói thì phấn khởi lắm”, cụ Môn tâm sự.


Các cụ ở làng Xuân Bách cho biết, môn thể thao này đòi hỏi ở người chơi sự khéo léo, bền bỉ, qua nhiều năm thì mới đúc kết nhiều kinh nghiệm chơi bóng. Đặc biệt, do đây là môn thể thao mang tính đồng đội cao, nên đòi hỏi các đội phải đưa ra được những “chiến thuật” chơi bóng tốt theo từng diễn biến trận đấu.


Cụ bà Chu Thị Thảo (79 tuổi) và cụ ông Nguyễn Văn Thao (84 tuổi) từng chơi bóng cửa nhiều năm, bây giờ “lưng còng, mắt mỏi” không thể tham gia chơi được nữa, nhưng chiều nào cũng ra cổ vũ phong trào, thậm chí làm cả việc “chỉ đạo chiến thuật”.


Làng Xuân Bách không chỉ sôi nổi với những hoạt động bóng cửa của các cụ già, mà ở đây còn có rất nhiều hoạt động thể thao khác của lớp trẻ. Thật khó bắt gặp ở đâu đó hình ảnh, một bên là sân bóng đá, bóng chuyền, với thanh niên trai tráng và những đường ban nhanh như cắt, với một bên là hình ảnh các cụ già cao tuổi, cũng sôi nổi hào hứng không kém với những pha bóng cửa lắt léo hòng giành điểm cao. Những câu thơ của cụ bà Ngô Thị Chắt có lẽ đã lột tả hết ý nghĩa mà môn bóng cửa đã mang lại cho tuổi già nơi đây:


“Tuổi xuân bóng đá, bóng chuyền
Tuổi già bóng cửa khắp miền quê ta
Cụ ông cùng với cụ bà
Giao lưu bóng cửa thật là vui thay

Ai ơi về với quê ta
Vui môn bóng cửa vui thêm tuổi già
Xin mời các cụ gần xa
Về vui tiếng hát bài ca ban đầu”.

Bài và ảnh: Quỳnh Như

Bài cuối: Bóng gỗ Việt vươn mình

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN