Vì những lý do địa lý, chính trị và xã hội, Barcelona có một lịch sử hình thành và phát triển đặc biệt. CLB gắn liền với văn hóa xứ Catalan, một trong những văn hóa địa phương nổi tiếng nhất trên thế giới, và được xem là một sự đối lập với cách quản lý trung ương của Madrid. Vì thế mà mô hình kinh tế của Barca cũng mang đậm bản sắc Catalan.
Barca từng quảng cáo miễn phí cho UNICEF. Ảnh: internet |
Trong năm tài khóa vừa qua, doanh số của Barca là 497 triệu euro. Khoản lợi nhuận 40 triệu euro đã khẳng định “sức khỏe” tốt của đội bóng này. Tuy nhiên, Barca cũng không thể tránh khỏi nợ nần, lên đến 363,7 triệu euro, bất chấp kế hoạch cắt giảm nợ đã được tiến hành từ vài năm trở lại đây. Hiện tại, tiền lương và thưởng các loại đang chiếm hơn 160 triệu euro trong ngân sách của CLB và con số này sẽ còn tăng lên trong báo cáo tài chính tiếp theo sau khi đội bóng vừa gia hạn hợp đồng với hàng loạt cầu thủ trụ cột, trong đó có Lionel Messi. Nên nhớ, Barca đang là CLB trả lương cao nhất trong làng bóng đá thế giới: trung bình 6,5 triệu euro/năm/cầu thủ.
150 triệu euro nhờ marketing
Việc phân bổ ngân sách của Barcelona cũng tương tự như tại Real Madrid. Thu nhập từ marketing, bao gồm tài trợ và kinh doanh các sản phẩm từ CLB, mang lại cho họ gần 150 triệu euro/năm. Trong đó, hai đối tác Qatar và Nike đóng góp 63 triệu euro mỗi năm vào ngân sách của đội bóng xứ Catalan. Trong một thời gian dài trước đó, Barca không chấp nhận quảng cáo trên áo đấu, họ thậm chí quảng bá không công cho UNICEF trong 5 năm (từ năm 2006). Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi cái tên Qatar Foundation xuất hiện trên ngực áo Barca từ mùa giải 2011-12.
Phụ thuộc nhiều vào bản quyền truyền hình
Bất chấp nỗ lực tìm kiếm các nguồn thu từ bên ngoài, phải khẳng định rằng bản quyền truyền hình đã đóng góp không nhỏ vào ngân sách của Barca: 178 triệu euro/năm. Họ có bản quyền tại giải vô địch Tây Ban Nha, tại Champions League và bản quyền các sản phẩm có hình ảnh của CLB. Việc Barca phải thụ thuộc nhiều vào bản quyền truyền hình cũng chỉ ra rằng mô hình của họ là cũ kỹ và giống với các mô hình bóng đá thời những năm 1990.
120 triệu euro nhờ CĐV
Một nguồn thu lớn khác của Barca tới từ các cổ động viên, vẫn được quen gọi là socios. Socios từ lâu đã là một nguồn thu quan trọng của đội bóng xứ Catalan. CLB hiện nay có 223.000 socios, đảm bảo một khoản thu xấp xỉ 120 triệu euro/năm từ việc bán vé xem các trận đấu tại “thánh đường” Nou Camp (99.000 chỗ).
Phần còn lại của thu nhập tới từ chuyển nhượng: dao động trong khoảng từ 20 – 50 triệu euro/năm. Và đó là nhờ các sản phẩm của lò đào tạo trứ danh La Masia.
Một biểu tượng xã hội
Real Madrid cũng thuộc về các socios như Barca, tức là các CĐV được quyền bầu chủ tịch của đội bóng. Tuy nhiên, nếu như Real vẫn luôn mang nặng tính thương mại, thì Barca mang một hình ảnh có tính xã hội hơn. Điều này được thấy ngay trong khẩu hiệu của đội bóng - “Mes que un club” (Hơn một CLB) – và nguồn gốc Catalan của họ. Họ luôn chơi một thứ bóng đá cống hiến và chủ yếu dựa các sản phẩm do chính mình đào tạo nên. Việc họ đưa người hâm mộ ngày càng xích lại gần đội bóng cũng chính là cách để họ kiếm tiền, đánh bóng hình ảnh của CLB, từ đó gia tăng số lượng các nhà tài trợ trên toàn cầu.
Bảo An