Cua rơ Nguyễn Thị Thật là người đầu tiên giành vé dự Olympic, thông qua giải xe đạp đường trường châu Á 2023 nội dung xuất phát đồng hàng nữ (109km).
Nữ vận động viên người An Giang vượt qua các đối thủ nặng ký là Jiajun (Trung Quốc) và Jutatip (Thái Lan), để về nhất sau 2 giờ 51 phút 41 giây. Đây là suất dành cho VĐV của các quốc gia không thể giành vé dự Olympic thông qua bảng xếp hạng của Liên đoàn xe đạp thế giới (UCI) hoặc giải vô địch thế giới.
Với thành tích xếp vị trí thứ 5/8 VĐV tham dự giải bắn súng vô địch thế giới 2023 (tháng 8/2023), xạ thủ Trinh Thu Vinh giành vé tới Pháp hè năm sau ở nội dung 10m súng hơi ngắn nữ.
Trong số 4 VĐV xếp trên Thu Vinh, có 1 VĐV Trung Quốc và 1 VĐV Hy Lạp. Theo đó, Jiang Ranxin (Trung Quốc) đã có suất dự Olympic 2024 từ trước, còn đội tuyển Hy Lạp có đủ 2 VĐV (số lượng tối đa) tham dự nội dung này của Thế vận hội. Do vậy, suất dự Olympic thuộc về Thu Vinh (Việt Nam), Sara Rahel (Hungary) và Li Xue (Trung Quốc).
Tháng 10/2023, Nguyễn Huy Hoàng giành 2 HCĐ môn bơi nội dung 800m và 400m tự do nam tại ASIAD 19. Đáng chú ý, thông số 7 phút 51 giây 44 ở nội dung 800m tự do giúp VĐV người Quảng Bình có vé đến Thế vận hội vào tháng 7 năm sau.
Tại kỳ Olympic Tokyo 2020 diễn ra tại Nhật Bản, Thể thao Việt Nam có 18 VĐV được tham dự tranh tài nhưng không giành được kết quả huy chương. Mục tiêu của Thể thao Việt Nam cho Olympic Paris 2024 là phấn đấu đoạt suất tham dự nhiều hơn so với kỳ gần nhất, nhưng sau Asiad 19, mục tiêu này xem ra khó hoàn thành.
Danh sách và số lượng các VĐV giành vé tham dự Olympic Paris 2024 sẽ được chốt vào khoảng tháng 4/2024. Đây là khoảng thời gian không còn dài để Thể thao Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu đề ra, điều này đồng nghĩa các VĐV phải căng mình để thi đấu giành các suất chính thức đến Pháp.
Một trong những gương mặt được kỳ vọng sẽ góp mặt tại Đại hội thể thao lớn nhất hành tinh là Nguyễn Thuỳ Linh (cầu lông), Nguyễn Thanh Thuỷ (Judo), Trinh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Văn Khánh Phong, Đinh Phương Thành, Phạm Như Phương (thể dục dụng cụ)... Đây là những VĐV đang tiệm cận với Olympic. Họ sẽ tham dự nhiều giải đấu vào năm sau để tích lũy điểm số, duy trì thứ hạng hoặc tham dự các vòng loại Olympic để giành vé trực tiếp.
Rowing cũng nhận được sự kỳ vọng lớn. Cụ thể, đội đua thuyền rowing Việt Nam cũng đang tích cực chuẩn bị chuyên môn để dự giải có tính kết quả tranh vé Olympic khi tham dự các giải đấu đầu năm 2024. Mục tiêu của toàn đội đặt ra là giành ít nhất 1 suất chính thức đến Paris 2024. Thành tích tại Asiad 19 vừa qua của đội đua thuyền rowing Việt Nam đạt được ở mức tiệm cận với đạt chuẩn Olympic.
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, hiện Thể thao Việt Nam vẫn đang tìm cơ hội giành suất Olympic trong các môn quan trọng khác như điền kinh, thể dục dụng cụ, boxing, cử tạ, đấu kiếm, vật, judo, taekwondo. Trong đó, Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) sẽ kết thúc các giải tranh suất Olympic Paris 2024 vào ngày 30/6/2024. Điền kinh Việt Nam không giành được suất chính thức nào từ kết quả thi đấu SEA Games 32 và Asiad 19, điều này buộc các tuyển thủ phải nỗ lực mới có thể hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2024.
Môn cử tạ là môn gần nhất thi đấu giải tính điểm trao vé Olympic Paris (Pháp) 2024 là giải Grand Prix 2023 ở Doha Qatar. Tiếp đó là World Cup (tháng 4, tại Thái Lan) để tích thêm điểm tranh suất Olympic. Ở môn boxing, phải đến đầu năm 2024, Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh và một số tay đấm khác mới có thể dự 2 lượt vòng loại Olympic: Vòng đầu (tháng 2/2024 tại Italy) và vòng hai (tháng 3/2024 tại Thái Lan) để tranh vé chính thức đến Paris 2024. Ở môn điền kinh, nếu Việt Nam không đoạt được suất chính thức thì sẽ được trao suất đặc cách. Ở Olympic Tokyo, Quách Thị Lan được trao tấm vé này. Lần này, Nguyễn Thị Oanh cùng tổ tiếp sức 4x400 m nữ (HCV châu Á 2023) được kỳ vọng "đi cửa chính" đến Olympic.
Đầu năm 2024, đội tuyển vật Việt Nam sẽ tập trung trở lại, trong đó các đô vật nữ tập trung cho vòng loại Olympic khu vực châu Á vào tháng 4 tại Kyrgyzstan và vòng loại của thế giới diễn ra trong tháng 5/2024 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện niềm hy vọng đang đặt vào các tuyển thủ Nguyễn Thị Xuân (50kg), Bùi Thị Đào (53kg), Nguyễn Thị Mỹ Trang (55kg), Trần Thị Ánh (57kg), Trần Thị Ánh Tuyết (62kg), Lại Diệu Thương (68kg), Đặng Thị Linh (76kg)…
“Thực tế hiện nay rất khó để Thể thao Việt Nam giành 15 suất trực tiếp tham dự Olympic Paris 2024, nhưng mục tiêu có được 10 suất là khả thi. Các HLV, VĐV vẫn đang nỗ lực tập luyện, phấn đấu để giành vé góp mặt ở Olympic Paris 2024” - Cục trưởng Cục TDTT nhấn mạnh.
Giành được các tấm vé Olympic Paris (Pháp) 2024 và những kỳ tiếp theo đã và đang khó hơn so với những lần trước đây bởi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cùng Liên đoàn thể thao của nhiều môn đã thay đổi về phương thức trao suất hoặc đưa ra các chuẩn thi đấu ngặt nghèo hơn. Một trong lý do có sự thay đổi này do Liên đoàn quốc tế của các môn thể thao mong muốn VĐV phải thi đấu nhiều giải quốc tế trong hệ thống ở môn của mình, cùng phát triển thể thao thay vì chỉ tập trung duy nhất một hoặc hai lượt vòng loại để giành vé và dự Thế vận hội.
Trong số các nước Đông Nam Á, Thái Lan hiện đã có 13 suất dự Olympic, bao gồm các môn boxing, xe đạp, 5 môn phối hợp hiện đại, đua thuyền, bắn súng và taekwondo.
Trong khi đó, Singapore và Malaysia có 5 vé dự Olympic ở môn điền kinh, đua thuyền, bơi (Singapore), bắn cung, xe đạp, nhảy cầu, đua thuyền, bắn súng (Malaysia). Còn Indonesia, Philippines cũng hơn Việt Nam với 4 suất tham dự Thế vận hội.