Với bóng đá Tây Ban Nha, người Pháp là nỗi ám ảnh đối với họ, xuyên suốt chiều dài lịch sử. Trong cuộc đối đầu ở tứ kết EURO năm nay, liệu nhà ĐKVĐ châu Âu và thế giới có vượt qua được nỗi ám ảnh ấy?
Tiền đạo Tây Ban Nha Fernando Torres (phải) cần nhận được hỗ trợ nhiều hơn từ đồng đội. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tây Ban Nha và Pháp, vốn có chung 623 km đường biên giới, từng 30 lần đối đầu nhau. Tính tổng thể, Tây Ban Nha nhỉnh hơn với 13 trận thắng, 11 trận thua. Nhưng khi tính riêng các giải lớn, Pháp hoàn toàn lấn lướt. 6 lần gặp nhau ở các VCK World Cup và EURO, Pháp thắng đến 5. Đặc biệt, dường như mỗi trận thắng Tây Ban Nha đều gắn liền với một sự kiện lịch sử của bóng đá Pháp. Năm 1984, họ giành danh hiệu lớn đầu tiên khi đánh bại Tây Ban Nha trong trận chung kết EURO. Michel Platini đã ghi 1 bàn trong chiến thắng 2 - 0 của người Pháp. Ở trận đối đầu năm nay, ông dự khán trận đấu trong tư cách Chủ tịch UEFA.
12 năm về trước tại EURO 2000, cũng chính ở vòng tứ kết, hai đội đã gặp nhau. Pháp lại chiến thắng, với tỷ số 2 - 1, trong trận đấu mà Raul Gonzalez sút hỏng quả penalty ở phút cuối. Pháp đi thẳng đến chung kết, đánh bại Italia và trở thành đội đầu tiên trong lịch sử vô địch World Cup và EURO trong vòng 2 năm. Tây Ban Nha là đội thứ 2 làm được điều này.
Cuộc chiến đáng nhớ gần nhất giữa họ là tại vòng 1/8 World Cup 2006. David Villa mở tỷ số trận đấu cho Tây Ban Nha từ chấm 11m. Nhưng với bản lĩnh và đẳng cấp cao hơn, Pháp đã thực hiện cú ngược dòng ngoạn mục. Ribery gỡ hòa, Vieira đưa Pháp vươn lên dẫn trước và Zidane ấn định chiến thắng 3 - 1 ở phút bù giờ. Vượt qua Tây Ban Nha, Pháp tiến thẳng đến trận chung kết, nơi họ đã thua Italia sau loạt đá luân lưu.
Trong giai đoạn đỉnh cao kéo dài 1 thập kỷ, từ 1996 đến 2006, Pháp xây dựng đội bóng theo phương châm "đa sắc tộc và đoàn kết". Yếu tố đoàn kết đặc biệt được coi trọng và được thể hiện rất đậm nét trên sân cỏ, dù tuyển Pháp những năm ấy tràn ngập ngôi sao lớn, mà chói sáng nhất là Zidane.
Pháp bây giờ không thiếu tài năng lớn. Nhưng nội bộ của họ không còn yên ổn, đoàn kết như trước. World Cup 2010 đã chứng kiến nỗi đau khôn nguôi khi các tuyển thủ Pháp từng tẩy chay một buổi tập để phản đối vụ tiền đạo Nicolas Anelka bị đuổi về nước, sau khi va chạm cá nhân với HLV Raymond Domenech. Thất bại thảm hại ở World Cup 2010 (không thể vượt qua vòng bảng) buộc người Pháp mạnh dạn "đập đi xây lại". Nhờ tài năng của HLV Laurent Blanc, Pháp đã thi đấu rất ấn tượng suốt vòng loại và hai trận đầu tiên của vòng bảng. Nhưng đến trận thứ ba, với thất bại 0 - 2 trước đội bóng đã bị loại là Thụy Điển, Pháp lại phải đối mặt với những vấn đề nhức nhối. Một lần nữa, nội bộ lại lục đục. Tờ báo uy tín của Pháp, L'Equipe, vừa đưa tin HLV Blanc và Hatem Ben Arfa đã có va chạm với nhau trong khi Alou Diarra cãi cọ với Samir Nasri. Trợ lý HLV Alain Boghossian thừa nhận, có lời qua tiếng lại giữa những người được tờ L'Equipe nhắc đến, nhưng phủ nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề vì "đó là chuyện quá bình thường".
Nếu như World Cup 2006, với sự rút lui của Zidane sau đó, đánh dấu sự xuống dốc của bóng đá Pháp, thì từ chính cột mốc này, người Tây Ban Nha vươn lên mạnh mẽ. Suốt nhiều thập niên, nội bộ ĐT Tây Ban Nha luôn bị chia rẽ bởi vấn đề "phe Real Madrid, phe Barca". Nhưng từ sau World Cup 2006, họ quyết tâm xây dựng một đội bóng đoàn kết, đặt lợi ích của ĐTQG lên trên tất cả. HLV Luis Aragones lúc bấy giờ mạnh dạn loại bỏ những "cá tính" gây ảnh hưởng đến sự đoàn kết nội bộ, mà nổi bật nhất là "thế lực đen" Raul. Tài năng của cá nhân kiệt xuất, lối chơi tiqui - taca cộng với tinh thần đoàn kết đã giúp Tây Ban Nha thống trị EURO 2008 và World Cup 2010. Và bây giờ, họ đang lập nên kỳ tích mà người Pháp không thể làm được: vô địch 3 giải đấu lớn liên tiếp.
TUỆ MINH