Tâm điểm Asiad 2014

Khi dư âm của SEA Games 27 vẫn chưa lắng xuống, thì thể thao Việt Nam lại đã bước vào một guồng quay mới. Ngay trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, nhiều đội tuyển đã bắt tay vào tập luyện, một số VĐV đã lên đường đi tập huấn nước ngoài, trong khi toàn ngành đang phải chạy đua với thời gian để chuẩn bị cho các mục tiêu quan trọng trong năm 2014, với điểm nhấn là Asiad 17.


Vòng quay hối hả


Thể thao Việt Nam đã khép lại năm 2013 một cách ấn tượng, khi chúng ta tạo nên một cuộc đua tranh quyết liệt và hấp dẫn tại Đại hội thể thao Đông Nam Á - SEA Games 27. Ở xứ sở Chùa Vàng Myanmar, các vận động viên Việt Nam đã xuất sắc hoàn tất chỉ tiêu “đúp”: Giành trên 70 Huy chương Vàng và duy trì chỗ đứng trong tốp 3 của Đại hội. Thành tích 73 HCV, 86 HCB, 86 HCĐ (tổng số là 245 huy chương) và vị trí thứ 3 tại SEA Games 27 là thành quả từ sự nỗ lực của từng thành viên trong Đoàn TTVN và xuất phát từ những kế hoạch chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng.

 

Vật là một trong những môn thế mạnh của thể thao Việt Nam.
Thanh Hà - TTXVN


Bước sang năm 2014, ngoài nhiệm vụ tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 tại Nam Định, TTVN sẽ hướng tầm ngắm đến những đấu trường lớn là Đại hội thể thao châu Á - Asiad 17 tại Incheon (Hàn Quốc), Thế vận hội Olympic trẻ tại Nam Kinh (Trung Quốc), Đại hội thể thao bãi biển châu Á - Asian Beach Games 4 tại Phuket (Thái Lan). Trong số này, thách thức và kỳ vọng của TTVN sẽ đặt vào Asiad 17, diễn ra vào thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10.


Theo xu thế gần đây, các quốc gia hàng đầu Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đều đã xem Asiad là thước đo “đẳng cấp” thực thụ. Sân chơi này rất khác so với SEA Games hay các giải đấu tầm khu vực, không phải là giải đấu để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, mà là một cuộc chơi đỉnh cao. Thành tích tại Asiad phản ánh chính xác sự phát triển của một nền thể thao. Những tấm huy chương Asiad là kết quả của cả một quá trình đầu tư, lựa chọn và tính toán kỹ lưỡng.

Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Trần Đức Phấn cho biết, trong các ngày 7 và 8/1, lãnh đạo Tổng cục TDTT bắt đầu làm việc với các bộ môn trọng điểm cho Asiad 17. Đây là bước quan trọng nhằm triển khai thực hiện kế hoạch đã đề ra trong năm 2013, hướng tới sự chuẩn bị tốt nhất cho Đoàn TTVN tham dự Asiad 17.


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) Trần Đức Phấn cho biết, kế hoạch chuẩn bị cho Asiad 17 đã được ngành TDTT triển khai từ năm 2013. Đây thực ra là sự chuẩn bị liên thông, mang tính liên tục. Những gì TTVN đạt được qua Đại hội thể thao trẻ châu Á 2013 - AYG 2, Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 2013 - AIMAG 4, World Games 2013 hay SEA Games 27, chính là những nền tảng cho Asiad 17. Tương tự như vậy, Asiad 17 sẽ là cơ sở để chuẩn bị lực lượng VĐV cho SEA Games 2015, nơi nước chủ nhà Singapore sẽ đưa vào chương trình thi đấu nhiều môn thể thao Olympic, cũng như cho Olympic 2016 tại Rio de Janeiro (Brazil).


Khó chỉ tiêu huy chương


Theo kế hoạch, chủ nhà Hàn Quốc sẽ tổ chức 36 môn thi đấu tại Asiad 17, trong đó 28 môn sẽ xuất hiện trong chương trình thi đấu Olympic 2016. Điều đáng mừng là trong số 8 môn thể thao ngoài Olympic có mặt ở Asiad 17, thì 3 môn hé mở “cửa” tranh chấp huy chương cho các VĐV Việt Nam: Cầu mây, karatedo và wushu. Tuy vậy, một môn thế mạnh của TTVN là cờ vua lại bị gạt khỏi chương trình thi đấu.


Ông Trần Đức Phấn cho biết, Việt Nam dự kiến sẽ tham gia thi đấu 18 - 25 môn tại Asiad 17, trong đó tập trung cho các môn Olympic. Ngoài ra, TTVN có thể còn góp mặt ở một số môn khác, theo hình thức xã hội hóa, tương tự như môn hockey trên cỏ tại SEA Games 27. Sở dĩ Việt Nam chưa chốt số môn thi đấu tại Asiad 17 là vì muốn tính toán thật kỹ, đưa bất kỳ VĐV nào đến Hàn Quốc cũng phải có mục tiêu rõ ràng.


Cũng theo ông Trần Đức Phấn, khả năng tranh chấp huy chương của TTVN tại Asiad 17 vẫn rơi vào nhóm các môn Olympic (thể dục dụng cụ, bắn súng, vật, cử tạ, taekwondo), bên cạnh 3 môn ngoài Olympic vừa nêu ở trên. Việt Nam đang có những VĐV đẳng cấp châu Á và thế giới ở các bộ môn này, như Phan Thị Hà Thanh (TDDC), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn (cử tạ)…


Ở 2 môn thể thao cơ bản, Việt Nam đang sở hữu những gương mặt dày dạn kinh nghiệm là Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng (điền kinh), cũng như những tài năng trẻ đầy hứa hẹn là Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), hay Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh (điền kinh). Tuy nhiên, ở một đấu trường khốc liệt như Asiad, cuộc giành giật huy chương luôn vô cùng khó khăn.


Tại Asiad 16 năm 2010, ở Quảng Châu (Trung Quốc), các VĐV Việt Nam có mặt trong 18 trận chung kết, nhưng cuối cùng chỉ giành được duy nhất 1 HCV (Lê Bích Phương, karatedo). Đó chính là sự khác biệt giữa Asiad với SEA Games. Khoảng cách vừa gần, lại vừa xa đó giữa 2 màu huy chương Asiad buộc các VĐV Việt Nam phải có sự chuẩn bị kỹ càng và tránh mọi sai sót dù là nhỏ nhất.


Song Long 

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN