Lớp học huấn luyện viên bóng đá bằng A của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đợt này có một học viên còn chưa hết tuổi... đá bóng: Phan Văn Tài Em. Tiền vệ tài hoa 31 tuổi này đang ấp ủ những dự định cho tương lai.
Tài Em luôn mạnh mẽ và hết mình trên sân cỏ. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN |
Nhắc đến Tài Em là nhắc đến một trong những tiền vệ trung tâm hay nhất của bóng đá Việt Nam trong quãng một thập kỷ trở lại đây. Giống như vẻ bề ngoài lầm lỳ, ít nói và tính cách chân chất của một người con mảnh đất Châu Thành (Long An), được sinh ra và lớn lên từ đồng ruộng, phong cách chơi bóng của Tài Em không hoa mỹ, mà luôn đặt hiệu quả lên hàng đầu. Tài Em thậm chí đã được các đồng nghiệp đặt cho biệt danh là “Mười Trâu”, bên cạnh tên gọi “Cu Mười” thân mật từ ngày bé, như để khẳng định cá tính mạnh mẽ của anh trên sân tập, cũng như trong thi đấu.
Chính lối chơi đơn giản nhưng chắc nịch ấy của Tài Em đã là chỗ dựa, tạo sự an tâm cho các đồng đội từng thi đấu cùng anh ở cấp câu lạc bộ, cũng như ở đội tuyển quốc gia. Nhìn khắp sân chơi V - League lúc này, thấy rất hiếm tiền vệ trung tâm có khả năng chơi bao quát được như Tài Em.
Mặc dù vậy, sau 12 năm đeo đuổi sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp, “Trâu” như Tài Em mà lúc này cũng đã bắt đầu có những dấu hiệu xuống sức, sa sút phong độ. Mùa giải vừa qua, trong màu áo XM Xuân Thành Sài Gòn, Tài Em chơi trận được, trận dở và thậm chí còn bị nghi ngờ về động lực thi đấu. Ở ĐTQG, Tài Em ban đầu đã được gọi vào danh sách sơ bộ chuẩn bị cho trận giao hữu với Arsenal, nhưng phút cuối lại bị tước mất cơ hội so tài với một trong những tiền vệ mà anh ngưỡng mộ - Thomas Rosicky. Cánh cửa khoác áo đội tuyển một lần nữa, giờ đây có lẽ đã hoàn toàn khép lại với “Cu Mười”.
Trường hợp của Tài Em một lần nữa cho thấy sự khắc nghiệt của nghiệp “quần đùi, áo số”: Đời cầu thủ chẳng được mấy lâu, vinh quang mới đó mà nay đã bị lãng quên nhanh chóng. Vì thế, có thể hiểu được tại sao không chỉ Tài Em, mà bất cứ cầu thủ nào khi bước sang tuổi 30 cũng phải tính chuyện sẽ làm gì trong vài năm tới, khi đã giải nghệ.
Trò chuyện với Tài Em trong những ngày cuối cùng của khóa học HLV bằng A của AFC, anh chia sẻ: “Khóa học lần này có nhiều HLV kỳ cựu tham gia (Mai Đức Chung, Vương Tiến Dũng, Phạm Công Lộc...). Các chú, các bác lớn tuổi thế mà còn đi học, mình còn trẻ nên phải tranh thủ học bất cứ lúc nào có cơ hội. Điều này sẽ giúp ích cho tôi trong tương lai, khi thời gian khoác áo thi đấu của tôi giờ không còn nhiều”.
Theo quy định của AFC, từ năm 2014, HLV cầm quân tại các giải đấu chuyên nghiệp trong khu vực phải có bằng A theo tiêu chuẩn của tổ chức này. Vì vậy, khóa học lần này là rất thiết thực đối với những HLV đang hành nghề ở các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nhưng chưa đạt “chuẩn” A. Khóa học cũng mở ra cơ hội cho những người trẻ như Tài Em, sớm được tiếp cận với những kiến thức huấn luyện bài bản và đặc biệt là có thể học hỏi kinh nghiệm từ những “lão làng” như Mai Đức Chung, Vương Tiến Dũng...
Tất nhiên, để có thể tiến tới trở thành một HLV cần một quá trình phấn đấu và đúc rút kinh nghiệm nhiều từ thực tế sân cỏ. Có không ít cựu danh thủ thế giới từng vừa đá bóng, vừa làm HLV, như Roberto Carlos hay Gennaro Gattuso. Nhưng với Tài Em, anh cho biết sẽ tìm kiếm một đội bóng mới để tiếp tục được thi đấu ở mùa giải 2014, còn HLV là “chuyện tương lai”.
Hiện tại, sau sự kiện XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ giữa chừng giải V - League 2013, đội bóng Sài thành đã giải tán và Tài Em đã được thanh lý hợp đồng. Với một cầu thủ như Tài Em, dù không còn ở đỉnh cao phong độ, anh vẫn được nhiều CLB quan tâm. Đội bóng quê hương Đồng Tâm Long An và tân binh của V - League là Hùng Vương An Giang đều đã ngỏ ý muốn có Tài Em. Nếu không có gì bất ngờ, Tài Em sẽ không ra Bắc thi đấu, vì muốn ở gần gia đình của mình.
Với tính cách thẳng thắn và với tố chất “thủ lĩnh” trên sân cỏ, hy vọng trong tương lai không xa, người hâm mộ sẽ được thấy Tài Em trong lứa HLV mới tài năng của V - League, tiếp nối thế hệ “7X” đã rất thành công của những Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ hay Nguyễn Hữu Thắng.
Phan Văn Tài Em đã một lần giành danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam, vào năm 2005. Trước anh, những “đàn anh” từng giành Quả bóng Vàng, như Lê Huỳnh Đức, Trần Công Minh, Võ Hoàng Bửu hay Nguyễn Hồng Sơn, đều đang tham gia công tác huấn luyện. |
Bảo An