Số phận các Quả bóng vàng Việt Nam

Lận đận những người con xứ Nghệ


Đã từ lâu, Nghệ An là cái nôi sản sinh nhiều cầu thủ tài năng. Trong số 18 Quả bóng vàng (QBV) đã được trao, 6 danh hiệu thuộc về những cầu thủ gốc Nghệ An hoặc trưởng thành từ Sông Lam Nghệ An. Chỉ có điều, số phận những QBV xứ Nghệ cũng trải qua không ít đắng cay sau ngày nhận giải, tiêu biểu nhất là cựu “thần đồng” Phạm Văn Quyến.

 

Quyến xuống, Vinh lên


Không thể phủ nhận, Quyến "béo" là một tài năng đặc biệt. Sở hữu kỹ thuật siêu hạng, những cú đảo bóng sắc như dao cạo, có kỹ năng đá phạt, kiến tạo hàng đầu, Văn Quyến từng tỏa sáng rực rỡ tại giải U16 châu Á năm 2001. Sau đó là những màn trình diễn ấn tượng ở cấp độ U23 Việt Nam tại SEA Games 22 trên sân nhà. Dù U23 Việt Nam để thua trận chung kết trước người Thái, nhưng tình huống Quyến "béo" đi bóng rồi cứa lòng gỡ hòa 1 - 1 vẫn được xem là một "siêu phẩm".


 

Công Vinh (trái) và Hồng Sơn năm 2008. Ảnh: Quang Nhựt - TTXVN

 

Màn trình diễn chói sáng ấy đã giúp Văn Quyến đoạt QBV năm 2003 và xứng đáng là người kế tục đàn anh Lê Huỳnh Đức ở tầm đội tuyển, sau khi trung phong số 1 Việt Nam giải nghệ. Nhưng thay vì tiếp tục vươn tới đỉnh cao, “thần đồng” gốc Nghệ An cùng hàng loạt tên tuổi tài năng khác như Quốc Anh, Hải Lâm, Quốc Vượng, Bật Hiếu, Văn Trương, Phước Vĩnh... dính vòng lao lý, với vụ án bán độ ở SEA Games 2005 trên đất Philíppin. Mãn hạn treo giò 2 năm, Quyến "béo" trở lại sân cỏ, nhưng vật vờ từ xứ Nghệ cho đến tận XMXT Sài Gòn và hiện tại là XM The Vissai Ninh Bình. Sự thụt lùi không phanh của Văn Quyến vẫn để lại nhiều tiếc nuối cho người hâm mộ đến tận bây giờ.


 

Văn Quyến ở thời kỳ đỉnh cao. Ảnh: internet

 

Vào thời điểm người đàn anh trên 1 tuổi Văn Quyến “dính chàm”, người hưởng lợi nhất không ai khác chính là Lê Công Vinh. Từng bị chê ở đội trẻ SLNA là thiếu năng lực, Vinh "còi" nỗ lực không ngừng để trở thành chân sút số 1 Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Có lẽ giải đấu SLNA vô địch JVC Cup 2003 là nền tảng cho cú bật nhảy của Công Vinh, với cú đúp bàn thắng thể hiện rõ tốc độ, tinh quái lẫn sự chính xác vào lưới Perak (Malaixia) ở trận chung kết.


Sau màn trình diễn ấn tượng tại V - League 2004, Công Vinh nhận luôn cú đúp danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc và QBV trong năm ấy. Từ bước đà ấy, Công Vinh tiếp tục bùng nổ ở sân Vinh và là cầu thủ đầu tiên giành QBV hai năm liên tiếp (2006, 2007).


Cân bằng thành tích với Huỳnh Đức, sự nghiệp của Công Vinh tưởng chừng sang ngã rẽ hoàn hảo khi ra Hà Nội T&T đầu mùa giải 2009, sau khi cùng đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup 2008. Nhưng chấn thương và tai tiếng từ hậu trường khiến anh thất bại liên tiếp ở Hà Nội T&T và CLB bóng đá Hà Nội. Cuối năm 2012, CLB bóng đá Hà Nội bị giải thể, trong khi Công Vinh bị mang tiếng "ngôi sao" ở AFF Suzuki Cup vừa qua. Sự nghiệp của Vinh tưởng rơi xuống bùn đen, nếu anh không bất ngờ trở về và tái sinh ở đội bóng quê nhà...

 

Chuyện người "gác đền"


Trong số 18 QBV đã được trao, SLNA vinh dự là nơi duy nhất có 2 thủ môn được bầu chọn vị trí số 1. Người làm được điều ấy đầu tiên là Võ Văn Hạnh ở mùa giải 2001. Dù là người gốc Phú Yên, nhưng nhờ ra thành Vinh, Hạnh "cậu" mới đạt được những thành tựu lớn nhất. Đặc biệt, thủ môn này khi ở xứ Nghệ rồi vào Hoàng Anh Gia Lai, SHB Đà Nẵng đều có danh hiệu vô địch quốc gia.


Sau khi Khatoco Khánh Hòa bị giải thể cuối năm 2012, chàng thủ môn nổi danh một thời bất ngờ về... bán cà phê cùng vợ, trước khi anh đầu quân làm HLV thủ môn ở trung tâm đào tạo trẻ PVF, cùng những đàn anh như Hoàng Bửu, Minh Chiến, Mạnh Cường. Đó là cái kết có hậu cho chàng thủ môn tài năng nhưng chưa thực sự có duyên ở khung gỗ đội tuyển trong 10 năm qua.


Ngược lại, Dương Hồng Sơn (Hà Nội T&T) vẫn đang chứng tỏ được tài năng của mình ở độ tuổi 31. Màn trình diễn xuất sắc đưa đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup 2008 không chỉ giúp Hồng Sơn trở thành cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu khu vực năm ấy, mà thủ môn quê Quỳnh Lưu này theo chân Võ Văn Hạnh được vinh danh QBV vào năm 2008.

 

Nguyễn Tuấn

Số phận các Quả bóng vàng Việt Nam: Ngã rẽ gập ghềnh
Số phận các Quả bóng vàng Việt Nam: Ngã rẽ gập ghềnh

Qua 18 kỳ tổ chức, Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam đã tôn vinh nhiều cầu thủ xuất sắc. Là giải thưởng ý nghĩa và đáng tự hào, song nhìn lại thì những danh thủ được tôn vinh thường gặp trắc trở trong sự nghiệp hơn đạt thành tựu lớn lao từ cột mốc ấy.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN